Hội thảo Khoa học Quốc tế “Chuỗi giá trị nông sản khu vực ĐBSCL: Chuyển đổi để phát triển bền vững”

(TVU) – Ngày 29/11/2024, Trường Đại học Trà Vinh tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ đề “Chuỗi giá trị nông sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Chuyển đổi để phát triển bền vững”.

Tham dự Hội thảo, về phía Phái đoàn Wallonie-Bruxelles có ông Pierre Du Ville, Trưởng Đại diện; GS. Burny Philippe, Đại học Liege, Bỉ; TS. Hồ Thị Minh Hợp, Đại học Liege, Bỉ và các chuyên gia trong lĩnh vực.

Về phía Trường Đại học Trà Vinh có PGS.TS. Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Văn Nguyện, Hiệu trưởng Trường Kinh tế – Luật (thuộc Trường ĐH Trà Vinh); đại diện lãnh đạo Khoa, lãnh đạo các Bộ môn, cán bộ giảng viên cùng tham dự.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng gửi lời chào mừng đến các đại biểu đến tham dự và đóng góp tại Hội thảo. GS.TS. Diệp Thanh Tùng cho biết: Hội thảo là một trong những hoạt động để chia sẻ các nghiên cứu được thực hiện trong dự án và sự hỗ trợ của WBI và Đại học Liege trong việc nâng cao năng lực cho giảng viên Trường ĐH Trà Vinh, góp phần vào việc thúc đẩy sự hợp tác giữa Trường ĐH Trà Vinh và Đại học Liege nói riêng, cũng như sự phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Bỉ nói chung.

Phân tích chuỗi giá trị nông nghiệp và những thách thức phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long, PGS.TS. Diệp Thanh Tùng cho biết vai trò và những đóng góp to lớn cho nông nghiệp trong cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL đang là 1 trong 3 đồng bằng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu, nông nghiệp chưa hiện đại hóa, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, gia tăng di cư, 3 dự án thủy điện thượng nguồn đã dẫn đến nhiều ảnh hưởng về sản xuất nông nghiệp và giá trị chuỗi nông sản trong khu vực.

 

Tại Hội thảo, các chuyên gia thảo luận, trao đổi và tìm ra các giải pháp, khuyến nghị chính sách phù hợp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi và phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện hiện nay. Các diễn giả trình bài trong hai phiên khác nhau với bảy bài tham luận:

 

Tại Phiên 1, PGS.TS. Phạm Văn Tài, Khoa Kinh tế – Luật, Trường ĐH Trà Vinh chia sẻ chuyên đề “Tối ưu hoá vận tải đa phương thức cho xuất khầu gạo từ Đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam”; Ông Ngô Đình Quý, Trường ĐH Nam Cần Thơ với chuyên đề “Các yếu tố tác động đến chuỗi giá trị sáp dừa tại tỉnh Trà Vinh”; và TS. Lê Trúc Linh, Trưởng khoa Khoa Nông nghiệp – Thuỷ sản, Trường ĐH Trà Vinh với chuyên đề “Phân tích bao phủ dữ liệu về hiệu quả sản xuất hành tím ở Trà Vinh, Việt Nam”

Tại Phiên 2: Ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc Sokfam với chuyên đề “Chuỗi giá trị với dừa – Góc nhìn của ngành và kinh nghiệm”; TS. Huỳnh Kim Hường, Phó trưởng Khoa Nông nghiệp – Thủy sản, Trường ĐH Trà Vinh với chuyên đề “Phân tích chuỗi giá trị tôm càng xanh ở tỉnh Bến Tre, Việt Nam”; Cô Hứa Hồng Thắm, Giám đốc Logistics – DP World Việt Nam với chuyên đề “Chuyển đổi để phát triển bền vững sức khoẻ đất trong trồng cây sầu riêng và xoài của nông nghiệp huyện Phong Điển ở Đồng bằng sông Cửu Long”; Ông Huỳnh Minh Phúc, Nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế – Luật, Trường ĐH Trà Vinh với chuyên đề “Hộ kinh doanh ứng dụng chuyển đổi số để kinh doanh là điều kiện cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long”.

Tại buổi bế mạc, TS. Nguyễn Tấn Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế – Luật, Trường Đại học Trà Vinh, gửi lời cảm ơn chân thành đến các diễn giả, chuyên gia, đại biểu và tham dự viên vì những đóng góp quý báu vào thành công của hội thảo. Ông nhấn mạnh hội thảo không chỉ là cơ hội để các nhà nghiên cứu, chuyên gia và lãnh đạo chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, mà còn là dịp quan trọng để thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, trao đổi chính sách và tìm ra những giải pháp bền vững cho phát triển chuỗi giá trị nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, qua hội thảo sẽ mở ra cơ hội hợp tác lâu dài giữa Trường Đại học Trà Vinh, Đại học Liege và các đối tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững.

Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước, có nhiều lợi thế trong phát triển chuỗi giá trị nông sản. Tuy nhiên, hiện nay ĐBSCL đang đứng trước nhiều thử thách, làm giảm hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ đề “Chuỗi giá trị nông sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Chuyển đổi để phát triển bền vững” được kỳ vọng sẽ đưa ra những khuyến nghị chính sách phù hợp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi và phát triển của vùng.