Tập huấn: nông dân hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp hiệu quả, sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Đồng bằng Sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tác động tiêu cực do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quá trình phát triển ở thượng nguồn sông Mekong, các hoạt động phát triển trong nội tại Đồng bằng Sông Cửu Long,… đã và đang làm cho các công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt ở hiện tại và nguy cơ càng kém hiệu quả trong tương lai.
Để ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn, giải pháp trước mắt là các địa phương, người dân vùng ĐBSCL cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng các vùng chuyên canh tập trung theo sinh thái nguồn nước; tích trữ nước trong kênh, mương; thay đổi tập quán sản xuất, ưu tiên những cây trồng sử dụng nước ít; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước.
Chung sức vào công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long hiệu quả, Hiệp Hội Cao Đẳng Cộng Đồng Việt Nam và Trường Đại Học Trà Vinh đã xây dựng chương trình để hỗ trợ người dân vùng ven biển đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xâm nhập mặn và hạn hán trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt thông qua chương trình “Nhân rộng mô hình trữ nước sinh hoạt và nông nghiệp tại các tỉnh ven biển ĐBSCL” tại 3 tỉnh Trà Vinh, Bến Tre và Sóc Trăng do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP- AFCIA) hỗ trợ năm 2023 – 2024.
Từ tháng 10/2024 đến tháng 12/2024, các chuyên gia thực hiện chương trình đến từ Tường Đại Học Trà Vinh đã tổ chức các lớp tập huấn theo mô hình ”Nông dân hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp hiệu quả, sử dụng tài nguyên nước hợp lý” tại 3 tỉnh nằm trong khu vực của chương trình.
Tại các lớp tập huấn người dân tham gia chương trình- được hỗ trợ lắp đặt hệ thống túi trữ nước và hệ thống tưới nước tiết kiệm và tự động- chia sẻ các kinh nghiệm, việc thuận lợi của hệ thống do chương trình đem lại so với trước khi có hệ thống. Bên cạnh đó, người dân còn chia sẻ những kiến thức đã được tập huấn từ chương trình, các phương pháp sử dụng nước hiệu quả, quản lý mùa vụ trong điều kiện xâm nhập mặn và hạn hán. Đồng thời người dân cũng chia sẻ các mong muốn chương trình tiếp tục hỗ trợ nhân rộng đến các hộ dân xung quanh trồng rau màu và cây ăn trái. Các hộ dân cũng đề xuất đến các nhà Khoa học các chuyên gia về tư vấn thêm phương pháp sản xuất hữu cơ, chuỗi giá trị ngành hàng và sàn giao dịch thương mại điện tử để sản xuất thêm bền vững và nâng cao sinh kế cộng đồng trước thách thức ngày càng khắc nghiệt của BĐKH, đặc biệt là xâm nhập mặn và hạn hán ở vùng ven biển ĐBSCL.