Hãy tưởng tượng Paris năm 2045, một giảng viên đại học Pháp đang giải thích về về hiện tượng Việt Nam, với xuất phải điểm là một nước nghèo, đã vươn mình trở thành một trong những cường quốc kỹ thuật số trên thế giới. Ông giải thích cho các sinh viên đang háo hức tìm hiểu về cách Việt Nam mở cửa đón nhận các công nghệ toàn cầu những năm 2020. Ông nói về cách Việt Nam tận dụng vị trí địa lý của đất nước, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng viễn thông và hoàn thiện khung thể chế và pháp lý. Ông chia sẻ với sinh viên thành công bất ngờ nhất có lẽ là cách Việt Nam hiện đại hóa lực lượng lao động, trở thành một trong những nước có kỹ năng số phát triển nhất tại châu Á.
Tầm nhìn tương lai này được thể hiện trong Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội được Đại hội Đảng lần thứ 13 thông qua vào tháng 2 năm 2021. Kinh tế số được coi là một trong những động lực tăng trưởng trong những thập kỷ tới, cho phép Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này sẽ không hề đơn giản. Tương tự như tất cả các cuộc cách mạng công nghệ khác trong lịch sử (ví dụ như điện khí hoá), chuyển đổi số sẽ có những tác động to lớn đến toàn xã hội cũng như từng cá nhân. Những thay đổi này đã hiển hiện trước mắt nhưng dự kiến sẽ còn lớn hơn trong tương lai.
Tại Ngân hàng Thế giới, chúng tôi đã bắt đầu phân tích tác động của những thay đổi này đối với Việt Nam. Sử dụng một mô hình kinh tế tương đối phức tạp, chúng tôi nhận thấy quá trình chuyển đổi số nhanh chóng mà Chính phủ đề ra có thể thực sự giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu đầy tham vọng của mình. Giả thiết rằng các ngành công nghệ số tăng trưởng với tốc độ khoảng 10% mỗi năm, lợi ích lũy kế của nền kinh tế sẽ đạt trên 200 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2045, gần bằng GDP của Việt Nam hiện nay. Không chỉ vai trò của các ngành công nghệ số sẽ trở nên quan trọng hơn trong nền kinh tế, mà việc sử dụng máy tính, công cụ CNTT và nền tảng kỹ thuật số sẽ góp phần tăng năng suất trong những ngành khác do sự kết nối chặt chẽ giữa các mắt xích liên kết trong nền kinh tế. Những lợi ích này sẽ lớn hơn chi phí cần đầu tư để đạt được sự phát triển nhanh chóng này, ước tính vào khoảng 35 tỷ USD trong hai thập kỷ tới.
Theo chúng tôi, nền kinh tế Việt Nam hưởng lợi từ quá trình số hóa nhanh chóng đến mức độ nào phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của thị trường lao động. Quá trình số hóa sẽ vừa làm mất vừa tạo ra việc làm. Việc làm sẽ mất đi tại các ngành công nghệ có thể thay thế con người trong khi việc làm mới sẽ được tạo ra trong những ngành cần sự bổ trợ tương hỗ giữa công nghệ hiện đại và lao động có tay nghề, ví dụ như tăng cơ hội hợp tác làm việc thông qua các nền tảng các mạng xã hội, các sản phẩm có thương hiệu trên nền tảng thương mại điện tử và phân tích có sử dụng dữ liệu thu thập từ internet.
Trong một thế giới hoàn hảo (không có rào cản), số lượng các việc làm mới do quá trình chuyển đổi số tạo ra sẽ nhiều hơn gấp 7 lần so với số việc làm bị mất đi. Đến năm 2045, ước tính có khoảng 10 triệu việc làm mới (ròng) được tạo ra, chủ yếu trong các ngành dịch vụ hiện đại, và một số lượng việc làm mới ít hơn trong lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, thực tế sẽ không hoàn hảo như vậy vì việc làm mới có tạo ra hay không có thể bị hạn chế do lực lượng lao động trong nước không có đủ kỹ năng. Ví dụ, người lao động cần phải có những kỹ năng phù hợp để tối đa hóa khoảng thời gian đã tiết kiệm được do áp dụng công nghệ hoặc họ phải biết cách quản lý thông tin thu thập được thông qua các nền tảng số. Trong khi đó, việc làm mất đi có thể xảy ra ngay lập tức.
Đáng tiếc là Việt Nam đang tụt hậu xa so với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực về các kỹ năng số hiện có (xem Hình). Nếu chúng ta giả định rằng Việt Nam sẽ tụt hậu do không đáp ứng được yêu cầu về số lượng lao động có tay nghề cao trong quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, nền kinh tế có thể mất tới 2 triệu việc làm vào năm 2045. Nói một cách thẳng thắn là theo giả thiết này, chuyển đổi số có khả năng dẫn đến việc công nghệ thay thế con người, làm giảm lợi ích chung của nền kinh tế và tạo ra sự bất bình đẳng lớn, từ đó có thể làm phát sinh nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội.
Đồ họa: Forbes Vietnam
Kết quả chính của phân tích này cho thấy Việt Nam muốn thành công trong quá trình chuyển đổi số cần phải tập trung nguồn lực nâng cao kỹ năng số của lực lượng lao động trong nước. Nếu không, Việt Nam sẽ thu được rất ít (hoặc không nhiều như mong đợi) thành công từ quá trình này vì nhiều người Việt Nam sẽ không thể tìm được việc làm.
Việc nâng cao kỹ năng cho người lao động Việt Nam là trong tầm tay. Nhưng ai sẽ đảm nhiệm việc này? Về lý mà nói, thị trường lao động sẽ điều chỉnh dần theo thời gian vì một khi nhu cầu về lao động có tay nghề tăng cao sẽ làm tăng mức lương tương đối, từ đó khuyến khích người lao động và doanh nghiệp gia tăng đầu tư vào giáo dục và đào tạo. Nhưng kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh là việc thích ứng này có độ trễ nhất định. Còn người lao động thì sao? Có thể họ không được tiếp cận thông tin hoặc không có tài chính để đầu tư vào các chương trình đào tạo dài hạn hơn. Trong khi đó các doanh nghiệp có thể không muốn đầu tư vào đào tạo nhân viên vì rất có thể khi tay nghề nâng cao họ lại “nhảy việc” sang đối thủ cạnh tranh khác.
Do đó chúng tôi cho rằng Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ cho người lao động và đáp ứng nhu cầu đang ngày một tăng của doanh nghiệp về lao động có tay nghề. Không những cần hành động quyết liệt hơn, Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân. Thị trường lao động cần được thiết kế linh hoạt hơn, cho phép người lao động có thể dễ dàng chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Các cơ quan chức năng hãy cung cấp thông tin đầy đủ cho người lao động về các xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động để giúp họ đưa ra quyết định. Các chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề cần được nâng cao chất lượng. Tạo điều kiện thuận lợi để những người lao động có chuyên môn cao gia nhập hoặc quay trở lại làm việc và hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động về tài chính trong quá trình đào tạo những kỹ năng mới. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng một hoặc một số giải pháp để hỗ trợ những hành động này, và những quốc gia thành công nhất, như Singapore hay Hàn Quốc, đã thực hiện đồng thời tất cả các biện pháp đó. Đây là những khuyến nghị Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện do chúng tôi đưa ra trong Báo cáo Điểm lại gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới được công bố vào tháng 8 năm 2021 với tiêu đề Việt Nam số hóa – Con đường tới tương lai.
Bài báo đã được đăng tải trên Forbes Vietnam