Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam góp ý Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi)

Ngày 15/7/2025, Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam đã gửi góp ý chính thức tới Bộ Giáo dục và Đào tạo về Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi). Góp ý được tổng hợp từ ý kiến các trường thành viên, bám sát thực tiễn quản lý và hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước.

Hiệp hội đánh giá dự thảo có nhiều điểm tiến bộ, nhất là trong trao quyền tự chủ, tăng cường kiểm định chất lượng, đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục làm rõ để đảm bảo tính khả thi và đồng bộ với hệ thống giáo dục quốc dân. Một số nội dung được Hiệp hội quan tâm gồm: làm rõ chức năng và phân cấp quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp; bổ sung quy định về công nhận kết quả học tập tích lũy, liên thông và chuẩn văn hóa; đồng thời xem xét lại các thuật ngữ chuyên ngành như “trường trung học nghề”, “giáo viên thực hành”, “trường cao đẳng cộng đồng” để rõ ràng, đầy đủ và tránh nhầm lẫn trong áp dụng.

Về kiểm định chất lượng, Hiệp hội kiến nghị giữ tính tự chủ, minh bạch và không quy định kiểm định là dịch vụ công với mức phí cứng. Nên cho phép thỏa thuận chi phí giữa tổ chức kiểm định và cơ sở GDNN, đồng thời bắt buộc công khai kết quả kiểm định theo chu kỳ tối đa 5 năm.

Góp ý cũng đề cập đến việc nâng cao tính liên thông, công nhận kết quả học tập tích lũy, thúc đẩy học tập suốt đời và quy định rõ giá trị pháp lý của bằng trung học nghề khi xét tuyển đại học. Các chính sách về tài chính, đất đai, chuyển đổi số, hợp tác doanh nghiệp và phát triển mô hình khoa nội trú, giáo dục đặc biệt cũng được Hiệp hội đề xuất cập nhật để phù hợp với thực tiễn tại địa phương.

Ngoài ra, Hiệp hội nhấn mạnh việc rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở sau sáp nhập tỉnh; bổ sung cơ chế linh hoạt trong mở ngành, tuyển sinh; hoàn thiện quy định về vị trí việc làm, tiêu chuẩn giảng viên và tổ chức hoạt động nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ trong cơ sở GDNN.

Với tinh thần đồng hành và đóng góp thiết thực, Hiệp hội mong muốn các ý kiến được xem xét để Luật sửa đổi thực sự trở thành nền tảng pháp lý phù hợp với yêu cầu phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn mới.