Mô hình Cao đẳng cộng đồng
Cũng như tại các nước Bắc Mỹ, một trường CĐCĐ theo đúng mô hình có những khác biệt rõ ràng với các trường đại học. Đặc biệt, khi giáo dục đại học tại Việt Nam mang tính thống nhất toàn quốc khá cao thì khác biệt lại càng rõ rệt, vì trường CĐCĐ đúng nghĩa mang nhiều tính địa phương hơn. Đối với các trường CĐ và dạy nghề tại Việt Nam, trường CĐCĐ theo đúng mô hình có nhiều khác biệt bởi những đặc điểm sau đây:
1. Đáp ứng nhu cầu cộng đồng:
Đáp ứng nhu cầu cộng đồng là phương châm hoạt động và phát triển của các trường CĐCĐ. Mọi hoạt động và các quyết định của trường CĐCĐ đều hướng tới sự thỏa mãn tối đa nhu cầu của cộng đồng với nguồn lực hiện có của nhà trường. Nhu cầu ở đây không chỉ được hiểu là nhu cầu học tập thông thường trên lớp mà còn là các nhu cầu về nâng cao năng lực và các dịch vụ hỗ trợ khác.
Cộng đồng mà các trường CĐCĐ hướng tới đáp ứng gồm có người dân, các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong và ngoài nước đóng trên một địa bàn hay khu vực địa lý nhất định và cao hơn nữa là nền kinh tế địa phương. Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của CNTT và sự ra đời của các hình thức đào tạo từ xa, chúng ta rất khó xác định giới hạn địa lý của cộng đồng mà các trường CĐCĐ phục vụ.
Nhu cầu của cộng đồng rất đa dạng và thường hay thay đổi. Do đó, các trường CĐCĐ phải thương xuyên tìm hiểu và đánh giá đầy đủ nhu cầu cộng đồng thông qua các hoạt động cụ thể sau:
– Phân tích kinh tế địa phương và phân tích thiếu hụt
– Phân tích kinh tế địa phương cho biết các thông tin hữu ích như:
+ Hiện trạng chung của nền kinh tế địa phương
+ Các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương
+ Sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế
+ Quy hoạch vùng
+ Các ngành công nghiệp và doanh nghiệp mới xuất hiện và đang phát triển
+ Các ngành công nghiệp và doanh nghiệp đang trên đà đi xuống
+ Sự phát triển công nghệ
+ Sự cạnh tranh và các yêu cầu đặt ra cho thị trường lao động
+ Định hướng phát triển chung của nền kinh tế địa phương
Trong khi đó, phân tích thiếu hụt cho biết những gì còn thiếu trong hệ thống hỗ trợ phát triển kinh tế tức là biết được nền kinh tế địa phương còn cần những dịch vụ, tổ chức và nguồn lực nào để trở thành một nền kinh tế mạnh.
Các thông tin này giúp các trường CĐCĐ tìm ra lĩnh vực và thị trường tiềm năng để tổ chức tham gia một cách có hiệu quả.
– Đánh giá chung nhu cầu thị trường
Đánh giá chung nhu cầu thị trường là công tác bắt buộc của một trường CĐCĐ. Công tác đánh giá thị trường lao động nhất là đánh giá các thiếu hụt của thị trường lao động giúp cho các trường CĐCĐ có được các hiểu biết đầy đủ về:
+ Hiện trạng của lực lượng lao động tại cộng đồng (số lượng và chuyên môn)
+ Biết được các kỹ năng và năng lực mà các việc làm mới được tạo ra trong vùng yêu cầu lao động phải có
+ Các nguồn cung ứng lao động và các đơn vị làm công tác phát triển lực lượng lao động
+ Chênh lệch giữa cung và cầu lao động cho các khu vực chính của nền kinh tế
+ Các nguyên nhân của thất nghiệp và thiếu việc làm
Các hiểu biết trên giúp cho các trường CĐCĐ đảm bảo các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng và năng động cung cấp các dịch vụ khác nhau để bù đắp các thiếu hụt cho thị trường lao động: các khóa đào tạo, xây dựng quan hệ quan hệ đối tác với các đơn vị trong cộng đồng, xác định và tìm kiếm các nguồn lực, hướng dẫn nghề nghiệp theo nhu cầu, cung cấp các dịch vụ phục vụ cá nhân,…
“Phục vụ cộng đồng và xã hội” không phải là triết lý mới của các trường đại học và cao đẳng của nước ta. Tuy nhiên, điểm mới ở đây là các trường CĐCĐ thực hiện triết lý này. Các trường CĐCĐ chủ động tìm hiểu và năng động “đáp ứng” những gì mà cộng đồng cần và chính cộng đồng cho là ưu tiên hơn “thực hiện” những nhiệm vụ và chỉ tiêu đào tạo so cơ quan chủ quản giao dựa trên yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội chung và các nhiệm vụ chính trị đặt ra cho cả hệ thống giáo dục.
2. Cơ cấu tổ chức đảm bảo sự tham gia của cộng đồng
Để đảm bảo sự tham gia của cộng đồng luôn được lồng ghép đầy đủ và hiệu quả vào các hoạt động của nhà trường, các trường CĐCĐ thường xây dựng cơ cấu tổ chức và quy định chức năng của các đơn vị trực thuộc sao cho các đại diện của cộng đồng đều có mặt và tiếng nói của họ luôn được lắng nghe và xem xét trong tất cả các quy trình hoạt động của nhà trường.
Tuy không có một khuôn mẫu tổ chức nào cứng ngắt cho tất cả các trường CĐCĐ nhưng các đơn vị sau thường được tìm thấy tại các trường CĐCĐ:
– Hội đồng tư vấn nhà trường gồm đại biểu của các bên liên quan như chính quyền, nhà tuyển dụng, phụ huynh và sinh viên. Hội đồng tư vấn nhà trường có vai trò đưa ra các lời khuyên và nhận xét đối với các hoạt động của nhà trường và giúp nhà trường hoạch định phát triển, đặc biệt hoạch định chiến lược và lập kế hoạch hoạt động hàng năm.
– Ban tư vấn chương trình được thành lập cho mỗi trường đào tạo của nhà trường. Ban tư vấn chương trình gồm các đại diện của doanh nghiệp và nhà tuyển dụng hoạt động trong lĩnh vực thuộc chương trình đào tạo. Ban tư vấn chương trình có nhiệm vụ đưa ra các đề xuất có liên quan đến việc chỉnh sửa và bổ sung chương trình đào tạo sao cho chương trình luôn theo sát với yêu cầu của công việc và nhu cầu của nhà tuyển dụng.
– Hội đồng học thuật do Hiệu phó phụ trách học thuật của nhà trường làm chủ tịch. Hội đồng học thuật gồm các đại diện của các đơn vị học thuật trong trường và một số đơn vị chức năng khác. Hội đồng học thuật có nhiệm vụ đưa ra các quyết định liên quan đến phát triển chường trình mới, chỉnh sửa và bổ sung các chương trình hiện hành theo các đề xuất của Ban tư vấn chương trình.
– Tổ khảo sát thị trường lao động và đánh giá yêu cầu của thị trường lao động làm đầu vào cho công tác phát triển chương trình đào tạo và khảo sát các phản hồi của các nhà tuyển dụng, sinh viên tốt nghiệp và sinh viên đang theo học về các kỹ năng mà các chương trình đào tạo đã cung cấp cho sinh viên và mức độ đáp ứng của các kỹ năng này đối với yêu cầu công việc thực tế. Các ý kiến phản hồi giúp cho tổ bộ môn và tổ phát triển chương trình điều chỉnh lại chương trình cho phù hợp hơn với yêu cầu của nhà tuyển dụng.
– Tổ phát triển chương trình có nhiệm vụ hỗ trợ hỗ trợ các bộ môn xây dựng các chương trình giảng dạy và tài liệu dạy – học và đảm bảo công tác xây dựng chương trình và tài liệu dạy – học tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của phương pháp “dựa theo yêu cầu của công việc”.
– Tổ huấn luyện giáo viên có nhiệm vụ phát triển và tập huấn cho các giáo viên phương pháp giảng dạy mới “lấy người học làm trung tâm” để đảm bảo chất lượng giảng dạy đi đội với chất lượng chương trình đào tạo.
– Đặc biệt, Ban Giới và Dân tộc là đại diện tiếng nói của giới nữ và đồng bào dân tộc trong nhà trường. Ban Giới và Dân tộc có nhiệm vụ đảm bảo các chính sách có liên quan đến giới và dân tộc của nhà trường được thực thi hiệu quả; thực hiện giảng dạy chương trình giới và dân tộc và phối hợp với các đơn vị học thuật, ban phát triển chương trình và huấn luyện giáo viên để đảm bảo vấn đề giới và dân tộc được lồng ghép hiệu quả vào công tác phát triển chương trình giảng dạy.
Cơ cấu tổ chức phát huy tối đa sự tham gia của đại diện cộng đồng, để cộng đồng cùng quyết định và chịu trách nhiệm với Ban giám hiệu và cán bộ nhà trường là điểm hoàn toàn khác biệt của các trường CĐCĐ với các trường đại học và cao đẳng thông thường tại Việt Nam.
3. Chương trình đào tạo được phát triển và điều chỉnh theo yêu cầu của công việc
Khác với các trường cao đẳng thông thường khác tại Việt Nam, các chương trình đào tạo của các trường CĐCĐ dựa trên yêu cầu của công việc hơn là các khung chương trình được ấn định sẵn hay các chương trình “mẫu” của một số trường đại học và cao đẳng danh tiếng. Quy trình phát triển chương trình đạo tạo của các trường CĐCĐ gồm có các bước sau:
1. Thực hiện phân tích nhu cầu
2. Xác định các nghề cần/ thiếu trong thị trường lao động và các tiêu chuẩn kỹ năng cho các nghề ấy
3. Lấy ý kiến của Ban Tư Vấn Chương trình
4. Xem xét các tiêu chuẩn kỹ năng để xác định nội dung giảng dạy
5. Xây dựng tiến trình đánh giá, kiểm tra, thi.
6. Xây dựng, cập nhật tài liệu giảng dạy
7. Thực hiện giảng dạy
8. Đánh giá kết quả đào tạo và điều chỉnh chương trình
Điều quan trọng trong quy trình phát triển chương trình đào tạo theo yêu cầu của công việc là nội dung giảng dạy và các tài liệu dạy – học đều được Ban tư vấn chương trình và các chuyện gia bên ngoài góp ý và thẩm định kỹ lưỡng nhiều lần. Ngoài ra, việc đào tạo ngành gì và nghề gì tại các trường CĐCĐ hoàn toàn do kết quả của phân tích nhu cầu quyết định dựa không phải dựa trên “cảm tính” hay “làm theo” các trường khác như một số trường đại học và cao đẳng của nước ta đã làm. Kết quả là các chương trình đào tạo của các trường CĐCĐ đều đáp ứng rất tốt các yêu cầu của các nhà tuyển dụng và sinh viên tốt nghiệp có cơ hội có việc làm cao hơn.
Mặt khác, do chú trọng đến kết quả đào tạo, tức là kỹ năng có được của các sinh viên tốt nghiệp, các chương trình đào tạo của trường CĐCĐ rất chú trọng đến thực hành nhất là thực hành tại các cơ quan và xí nghiệp.
Không giống như các chương trình đại học và cao đẳng thông thường khác nội dung thường cố định trong nhiều năm, các chương trình đào tạo của trường CĐCĐ được điều chỉnh thường xuyên là hàng năm để thích ứng với các thay đổi của công nghệ và yêu cầu của công việc.
4. Đa ngành và đa cấp
Để có thể đáp ứng tối đa nhu cầu rất đa dạng của cộng đồng, các trường CĐCĐ thường mở rất nhiều ngành đào tạo ở nhiều bậc đào tạo, thông thường từ cao đẳng trở xuống (cao đẳng, nghề dài hạn, nghề ngắn hạn và các khóa học cấp chứng chỉ hoàn thành). Bên cạnh đó, các trường CĐCĐ còn còn thực hiện liên thông từ cao đẳng lên đại học với một số trường đại học nhằm thỏa mãn nhu cầu học đại học của cộng đồng. Một số trường CĐCĐ được phát triển lên thành trường đại học – cao đẳng sau nhiều năm thực hiện mô hình CĐCĐ để có thể tự cấp bằng đại học và sau đại học và mang lại cơ hội học tập đại học và sau đại học tại chỗ cho người dân trong cộng đồng.
5. Đào tạo theo mô hình học tập suốt đời
Mô hình học tập suốt đời cho phép người học có thể dễ dàng lựa chọn chương trình và thời điểm học tập phù hợp với điều kiện cá nhân, người học có thể dừng việc học sau đến một điểm “dừng” nhất định và có thể quay lại học nhiều lần và nhà trường không đặt ra giới hạn tuổi tác đối với người học. Do đó, tổ chức giáo dục phải tạo ra nhiều chương trình học khác nhau về thời gian học, hình thức học, bằng cấp và chi phí để người học có thể tự do lựa chọn chương trình học phù hợp với mình. Việc xây dựng mô hình học tập suốt đời bao gồm các công việc sau đây:
– Xây dựng các chương trình học với nhiều điểm dừng khác nhau cho nhiều ngành nghề khác nhau. Các điểm dừng có thể chia là 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng,… Người học được phép “vào” và “ra” trường theo các điểm dừng này. Ngoài ra, chương trình học phải được chia thành mô – đun và việc hoàn thành mô – đun phải được tính bằng đơn vị tín chỉ.
– Xây dựng hệ thống đào tạo theo tín chỉ qua đó bằng cấo được công nhận dựa trên số tín chỉ đã hoàn thành của học viên.
– Cho phép liên thông giữa các bậc đào tạo và giữa các ngành trong nội bộ trường hay với các trường khác để người học có thể tiết kiệm thời gian và tiền bạc do không phải học lại và các kết quả học tập đã đạt được đều được công nhận một cách đầy đủ.
– Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý người học theo tín chỉ để người học có thể dễ dàng tiếp cận và tư vấn cho người học.
Mô hình học tâph suốt đời có thể được xem như là cái “hồn” của các trường CĐCĐ và làm cho các trường CĐCĐ hoàn toàn khác biệt với các trường đại học và cao đẳng thông thường khác tại Việt Nam.
Nguồn thông tin:
– Từ điển điện tử WIKIPPEDIA
– Các trang web của Hiệp hôi CĐCĐ Canada và Hoa Kỳ
– Các tài liệu thu thập từ các trang web khác nhau.