Nhân rộng mô hình trữ nước cho sinh hoạt và nông nghiệp ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.

(TVU) – Ngày 12/12, Trường Đại học Trà Vinh phối hợp Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam tổ chức hội thảo khởi động chương trình nhân rộng mô hình trữ nước cho sinh hoạt và nông nghiệp ở các tỉnh ven biển ĐBSCL (Replicating the model of water storage for domestic and agricultural use in coastal provinces of the Mekong Delta), do UNDP hỗ trợ năm 2023 – 2024.

Tham dự hội thảo, có GS.TS Phạm Tiết Khánh, Chủ Tịch Hiệp Hội CĐCĐ VN, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Trà Vinh; TS Thạch Thị Dân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh; cùng các đại biểu đến từ các Trung tâm, Chi cục, Phòng, Ban, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trà Vinh.

GS.TS Phạm Tiết Khánh, Chủ Tịch Hiệp Hội CĐCĐ VN, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Trà Vinh cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt với người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với tình trạng sạt lở, hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trầm trọng. Biến đổi khí hậu đe dọa sản xuất kinh tế, năng lượng, an ninh lương thực, sinh kế, đa dạng sinh học, cơ sở hạ tầng,… Cùng với định hướng của chính phủ trong vấn đề môi trường của toàn cầu, năm 2022, Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam trình đề xuất ý tưởng và được phê duyệt trở thành thành viên của chương trình nền tảng tổng hợp hỗ trợ nhỏ cho đổi mới của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (ISGAP Programme) – UNDP (United Nations Development Programme).

Chương trình được triển khai thực hiện trong 02 năm 2023-2024 tại ba tỉnh ven biển ĐBSCL là Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre với sự phối hợp và tham gia của các chuyên gia Trường Đại học Trà Vinh.

Chủ Tịch Hiệp Hội CĐCĐ VN mong muốn chương trình góp phần phát triển bền vững và giải quyết một phần vấn đề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến những người nông dân tại khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cam kết thực hiện chương trình trên tinh thần nhân văn, cống hiến, vì cộng đồng.

Theo TS. Thạch Thị Dân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh cho biết, đứng trước thực trạng xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, thiếu nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua, Trường Đại học Trà Vinh phối hợp nhiều đơn vị triển khai các giải pháp; các mô hình cộng đồng địa phương được nhân rộng, phản ứng nhanh và hiệu quả trong việc trữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn hiện nay. Mô hình trữ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp sẽ giúp nông dân hiểu rõ về tình trạng khan hiếm nước, áp dụng các phương pháp mới để trữ và sử dụng nước hiệu quả.

TS. Trần Thị Ngọc Bích, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ môi trường (ĐH Trà Vinh), Thành viên Ban Khoa học Công nghệ Hiệp Hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam, đại diện các thành viên thực hiện chương trình chia sẻ, chương trình là sự nối tiếp thành công kết quả Dự án WACOP của TVU giai đoạn 2016 – 2017, các giải pháp trong chương trình này phù hợp với đời sống của người dân ở những vùng thiếu nước, cũng như thích hợp về chi phí thực hiện.

Các nội dung chính gồm: Tiếp cận, khảo sát phỏng vấn người dân; tổ chức lớp bổ sung kiến thức về tình trạng khan hiếm nước và phương pháp tiết kiệm nước; hỗ trợ lắp đặt bể chứa nước; thiết kế, lắp đặt túi chứa nước tưới tiêu; đào tạo thực hành vận hành hệ thống; kiểm soát, quản lý, vận hành hệ thống để đảm bảo chất lượng; lan toả cộng đồng chung tay cùng thực hiện.

Cụ thể, chương trình cung cấp và lắp đặt hệ thống trữ nước mới bằng cách tái sử dụng bạt nhựa thải từ ao nuôi tôm; thiết kế hệ thống tưới tự động hoặc kỹ thuật tưới nước cho cây trồng bằng cách tái sử dụng hệ thống ống dẫn nhựa và oxy còn sót lại từ nuôi tôm, giúp giảm rác thải nhựa và giải quyết vấn đề khan hiếm nước.