Ban truyền thông có cuộc trao đổi ngắn với Ông Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp về nội dung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho Đề án Tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo. Sau đây là toàn bộ nội dung cuộc trao đổi.
Ths. Nguyễn Minh Phương – Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Cộng đồng Đồng Tháp
Ban truyền thông: Đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo được Tỉnh triển khai đạt rất nhiều thành tựu về mọi mặt được thể hiện qua chỉ số PCI, PAPI của tỉnh luôn đứng top đầu của cả nước, trong đó nội dung về đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện một phần đạt được cho những kết quả trên. Trong thời gian tới, để Đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp phát huy hơn nữa và đi vào cuộc sống, thì Cơ sở Giáo dục và Đào tạo có vai trò gì thưa Ông?
Ông Nguyễn Minh Phương: Trong Đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp xoay quanh 04 trụ cột chính như: (1) Xây dựng hệ thống nhận diện hình ảnh tỉnh Đồng Tháp; (2) truyền thông và quảng bá; (3) thông qua phát huy có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh (Đề án tài cơ cấu ngành Nông nghiệp, Đề án phát triển Du lịch, chương trình cải cách hành chính, xây dựng chính quyền thân thiện, Chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng…); (4) Giải pháp về nguồn nhân lực và cơ chế chính sách.
Ngay từ đầu, lãnh đạo Tỉnh đã xác định nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh Tỉnh, vì con người là yếu tốt cốt lỗi quyết định mọi vấn đề. Thời gian qua, lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã đóng góp rất nhiều, đặc biệt, thành phố Sa Đéc được UNESCO công nhận “Thành phố học tập toàn cầu”. Đây là sự kiện khẳng định Đồng Tháp là vùng đất hiếu học.
Trong các chương trình, đề án vai trò của các cơ sở giáo dục hết sức quan trọng trong việc gắn kết với các cấp uỷ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, doanh nhân, người dân để đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho nhiều tầng lớp trong xã hội trong chuỗi kết nối thực hiện phục vụ từng chương trình, dự án cụ thể góp phần định vị hình ảnh tỉnh Đồng Tháp trong và ngoài nước.
Trong thời gian tới, ngoài các chương trình giảng dạy mà trường đã thực hiện tốt như: Đào tạo sinh viên vững kiến thức – giỏi tay nghề, liên kết đào tạo văn bằng 2, đào tạo sau đại học, cập nhật kiến thức cho nhiều đối tượng từ nông dân đến công chức. Trường sẽ tiếp tục nâng chất các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu đổi mới của xã hội, tham gia sâu vào các chương trình, đề án trọng tâm của Tỉnh, sẵn sàng đảm nhận việc đào tạo nguồn nhân lực theo các chương trình đặt hàng của Tỉnh, của doanh nghiệp như: Đào tạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vững chuyên môn – giỏi nghiệp vụ và các chương trình tập huấn nông dân chuyên nghiệp, … Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp sẽ đồng hành với Tỉnh trong việc phát huy tinh thần học tập suốt đời trong cộng đồng, là địa chỉ tin cậy để nâng cao kiến thức cho mọi người, góp phần tạo dựng và khẳng định hình ảnh “Con người Đồng Tháp – Đất Sen hồng” hiếu học, hiểu nhiều, biết rộng.
Ban truyền thông: Điểm nổi bật của tỉnh Đồng Tháp được nhiều người biết đến đó là mô hình hội quán, mô hình hợp tác xã. Với thế mạnh về nông nghiệp của Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp đã đóng góp gì cho các mô hình này?
Ông Nguyễn Minh Phương: Từ năm 2016, tỉnh Đồng Tháp dã sáng kiến ra mô hình Hội quán. Đến nay, toàn Tỉnh đã có 112 Hội quán và nhiều hội quán đã thành lập lên hợp tác xã; các mô hình này hoạt động trên phương châm “Tự nguyện – Tự lực – Tự quản”. Trong suốt hơn 20 năm qua, Trường đã cung ứng cho xã hội trên 2.277 nhân lực về nông nghiệp. Hiện tại, với thế mạnh về nông nghiệp, Trường đã tham gia sâu, rộng vào các hoạt động như chương trình “Về làng – Xuống phố”; tư vấn OCOP; tổ chức truyền nghề, cấy nghề, thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương trong Tỉnh góp phần phát triển các sản phẩm OCOP, phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ gắn với nguồn nguyên liệu địa phương; thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt, tới đây nhà trường sẽ xây dựng đề án “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Tháp”, tập trung vào hỗ trợ các mô hình quản trị, mô hình sản xuất chuỗi giá trị theo từng modul, hỗ trợ công nghệ thông tin trong nông nghiệp, tham vấn cho các hội viên của các Hội quán, Hợp tác xã tham gia đầu tư, khai thác lĩnh vực du lịch nông nghiệp.
Ban truyền thông: Nhà trường có các bước chuẩn bị gì để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho đề án “Tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp” cũng như nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà?
Ông Nguyễn Minh Phương: Trường đã xác định các yếu tố để thực hiện đó là: quan tâm phát triển đến đội ngũ viên chức trong toàn trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua Đề án số hoá của Trường, trang bị cơ sở hạ tầng tốt, cơ sở vật chất tiên tiến phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ phục vụ cho việc dạy và học, tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết với doanh nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ứng dụng và chuyển giao, hoàn thiện thể chế, các quy định liên quan; trong đó, khâu then chốt và quyết định cho sản phẩm đào tạo đầu ra đáp ứng nhu cầu của xã hội vẫn là quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo có kiến thức, kỹ năng truyền nghề và truyền cảm hứng, kỹ năng phụ trợ giúp đến người học hoàn thiện hơn trong môi trường công tác sau này.
Ban truyền thông: Hơn ai hết thầy, cô giáo luôn là người truyền cảm hứng cho thế hệ học sinh sinh viên có niềm tự hào Tôi Người Đồng Tháp. Theo Ông việc này được nhà trường quan tâm và thực hiện như thế nào thưa Ông?
Ông Nguyễn Minh Phương: Bên cạnh việc truyền nghề, dạy nghề cho người học, Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, tập huấn như: tập huấn kỹ năng mềm, ngoại khóa chuyên môn, tổ chức cho học sinh, sinh viên và giảng viên tham gia các chương trình khởi nghiệp, tham gia các buổi giao lưu với các doanh nghiệp, các hợp tác xã, hội quán, tham gia các hoạt động đoàn – hội, các buổi giao lưu thể dục – thể thao, văn nghệ, tổ chức các cuộc thi gắn với nghề và hoạt động công sở tạo nên nét đẹp và nhận thức làm hành trang cho các em sau khi tốt nghiệp đi làm, tổ chức các hoạt động về nguồn tìm hiểu lịch sử của địa phương, …Thầy, cô luôn là tấm gương đi đầu cho học sinh sinh viên noi theo, trong công tác giảng dạy luôn lồng ghép các nội dung về quê hương Đồng Tháp, những câu chuyện về con người Đồng Tháp năng động, thích ứng tốt với sự thay đổi, có tinh thần hợp tác, ứng xử có văn hóa ở nơi công cộng, có ý thức chấp hành pháp luật, yêu quê hương, niềm tự hào “Tôi – Người Đồng Tháp”.