(Dân trí) Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh với chuyên môn Khoa học cây trồng đã cùng với đồng nghiệp đào tạo ra hàng nghìn cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, lao động nông thôn… cho tỉnh Lào Cai và vùng Tây Bắc.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 1981) hiện là Trưởng khoa Nông Lâm – Xây dựng, Trường Cao đẳng Lào Cai (Thành phố Lào Cai).
Sinh ra, lớn lên trong một gia đình có bố mẹ công tác trong lĩnh vực nông nghiệp tại thị trấn Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa), ngay từ nhỏ, cô Lan Anh đã được chứng kiến những hình ảnh vất vả, lam lũ của người dân trong lao động sản xuất.
“Từ đó tôi đã suy nghĩ nên làm điều gì đó để giúp người dân nâng cao năng suất cây trồng. Vì thế tôi đã đăng ký theo học ngành Khoa học cây trồng, trong suốt quá trình học tập tại trường tôi luôn nỗ lực phấn đấu trong học tập, tham gia nhiệt tình các hoạt động của nhà trường, nên tôi đã được kết nạp Đảng khi tôi còn là sinh viên trong Nhà trường”.
Sau khi tốt nghiệp, cô Lan Anh được nhận vào công tác tại Trường Cao đẳng Lào Cai. Với học vị Tiến sĩ, chuyên ngành Khoa học cây trồng, cô giáo trẻ đã mang hết kiến thức, hiểu biết, tâm huyết của mình cùng với đồng nghiệp đào tạo ra hàng nghìn cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, lao động nông thôn, nhóm yếu thế và nhóm cùng sở thích cho tỉnh Lào Cai và vùng Tây Bắc.
Cô Nguyễn Thị Lan Anh hiện là Trưởng khoa Nông Lâm – Xây dựng, Trường Cao đẳng Lào Cai
Song song với hoạt động đào tạo, cô Lan Anh còn tích cực thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học các cấp để tìm được loại giống cây trồng, kỹ thuật chăm sóc phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Trong quá trình công tác tại trường, cô đã cùng với các lãnh đạo trường đến tận địa bàn thôn bản của các xã xây dựng nông thôn mới để tìm tòi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đưa ra giải pháp giúp đỡ thành công 3 xã về đích Nông thôn mới theo sự phân công của tỉnh. Hiện nay, tiếp tục giúp đỡ 2 xã về đích Nông thôn mới đúng kế hoạch.
Ấp ủ nhiều tâm huyết cho quê hương và giáo dục nghề
Là một nhà giáo trường nghề, cô Lan Anh đặc biệt quan tâm đến việc phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn lực con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước,
Theo nữ giáo viên, giáo dục phải là chìa khóa để xây dựng được những thế hệ có tâm, có tầm, có tài, có đức, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc và khơi dậy cho họ hoài bão, khát vọng cống hiến phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
Cô Lan Anh đang giới thiệu với bà con về giống lúa mới
Cô Lan Anh cho biết, trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện còn không ít nhân lực dân tộc thiểu số chưa được đào tạo bài bản dẫn đến không có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.
Theo cô, tỉnh cần đẩy mạnh các chính sách và giải pháp để đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi ngành nghề do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới công nghệ nhất là ở vùng núi, vùng khó khăn, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực mà tỉnh, huyện có thế mạnh và những ngành nghề thiếu nhân lực.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số, đào tạo gắn với sử dụng lao động. Mở rộng ngành nghề, đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bên cạnh đó, các cấp ban ngành cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương thu hút cán bộ trẻ, các chuyên gia giỏi đến công tác tại các xã miền núi, nhất là các xã khó khăn đồng thời khuyến khích người dân sau khi được đào tạo trở về làm việc tại địa phương với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh một cách bền vững.
Cô Lan Anh và đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm
Là một người con của Sa Pa, cô Lan Anh trăn trở trước thực trạng biến đổi khí hậu gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
“Sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn ở tỉnh chưa nhiều, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn khó khăn”, cô Lan Anh tâm sự.
Do vậy, trong suốt quá trình công tác tại trường Cao đẳng Lào Cai, cô Lan Anh rất quan tâm đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, sản xuất hàng hóa gắn với chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ thương hiệu hàng hóa các sản phẩm đặc hữu; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao…
Vừa qua, Tiến sĩ Lan Anh được Hội đồng Bầu cử Quốc gia giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026. Cô là giáo viên trường nghề duy nhất của tỉnh Lào Cai ứng cử
Ông Hoàng Quang Đạt – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai kể: “Mình biết Tiến sĩ Lan Anh khi học cùng lớp Đào tạo cán bộ nguồn Khóa II trước Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2015-2020.
Những lúc tâm sự về nghề nghiệp, cô chia sẻ: “Làm đào tạo nghề cực lắm anh ạ, chúng em phải lên tận những vùng xa xôi hẻo lánh nhất, những nơi mà phải leo dốc cả buổi để vận động các cháu học sinh đi học nghề, em phải đi tận Mường Tè để tuyển sinh đó anh“. Nhìn cô gái trong hình dạng mảnh dẻ nhưng khuôn mặt ánh lên vẻ tự tin, thông minh, mình có chút ái ngại: “Đi vậy sức em có chịu được không?” Lan Anh cười: “Thì phải chịu thôi anh”.
Sau này, mình được tỉnh phân công về trường Cao đẳng Lào Cai, làm đồng nghiệp của Lan Anh. Những bỡ ngỡ ban đầu khi về trường nhưng mình khá tin tưởng vào cô giảng viên này. Giao việc gì cũng quyết tâm hoàn thành mà không đòi hỏi điều kiện, chế độ. Từ việc chủ trì kiểm tra công tác Đảng đến các nhiệm vụ chuyên môn, Lan Anh đều cố gắng hoàn thành ở mức cao nhất.
Kiên trì, phải nói là kiên trì khi thực hiện đề tài Tiến sĩ, đề tài chọn quá khó, ít có tài liệu tham khảo để rồi 7 năm kể từ khi nghiên cứu mới ra kết quả. Giáo sư hướng dẫn xúc động: “Thầy đã nghĩ em không vượt qua nổi, nhưng giờ thì tốt rồi”
Được giao nhiệm vụ “Xây dựng chuẩn đầu ra cho ngành chăn nuôi, thú y” theo đặt hàng của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, một công việc rất khó khăn đòi hỏi kiến thức nghề nghiệp – xã hội và kiến thức quản lý rất sâu, cô Lan Anh đã cùng đồng nghiệp thực hiện không biết mệt mỏi và bảo vệ trước Hội đồng khoa học của Bộ và thành công ngay lần đầu tiên.
Còn nhiều công việc khác nữa, từ nghiên cứu đề xuất Nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, đến nghiên cứu Dự án phục tráng giống lúa quý cho các địa phương. Bên cạnh việc giảng dạy, quản lý đơn vị, cô Lan Anh đều hoàn thành mức cao nhất với chuyên môn, tâm huyết của một nhà giáo trường nghề”.