1. Công nghệ đột phá trong kỷ nguyên số
Trong nhiều nghiên cứu cho thấy, ước tính khoảng 15 năm tới, trên thế giới 14% lực lượng lao động có nguy cơ cao bị tự động hóa thay thế và 30% khác phải đối mặt với những thay đổi về kỹ năng được sử dụng trong cách đào tạo lực lượng lao động. Nhiều quốc gia trên toàn thế giới đang phải vật lộn với việc không có khả năng tạo ra những người lao động trẻ tuổi hay tạo ra tầng lớp lao động có kỹ năng làm việc và kỹ năng sống đủ cao để đối mặt với công nghệ đột phá. Điều này ảnh hưởng đến những thay đổi trong công việc và việc làm.
Theo tác giả Bower & Christensen, trong nghiên cứu “Công nghệ đột phá: bắt sóng” cho rằng một số công nghệ mới có thể phá hủy hoặc thay đổi thứ tự thống trị thị trường hiện có hoặc thậm chí tạo ra các thị trường mới. Tác giả Clayton và cộng sự cho rằng mô hình phát triển công nghệ, công nghệ duy trì (Sustaining Technology) là một cải tiến dần dần và hình thức công nghệ đột phá – một cơn bão mới, ban đầu có thể không đầy đủ nhưng có thể cải thiện nhanh chóng và hiệu quả vượt ra ngoài công nghệ chính thống. Tại diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016, các nhà dự báo công nghệ đã xác định được một nhóm công nghệ đột phá, trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D, vật liệu tiên tiến và công nghệ nano…đã ngày càng mở rộng và ảnh hưởng lẫn nhau, tác động đến các yếu tố kinh tế xã hội, chính trị, địa lý, giáo dục và dân số…
Công nghệ đột phá đề cập đến những đổi mới hoặc công nghệ được sử dụng để tạo ra thị trường và các sản phẩm có giá trị áp dụng công nghệ và có ảnh hưởng rất quan trọng đến thị trường của các sản phẩm hiện có và có khả năng khiến các doanh nghiệp sử dụng công nghệ truyền thống bị đánh sập hoặc đóng cửa. Những đổi mới của công nghệ đột phá không giống như những đổi mới thông thường mà cho mục đích nâng cao hiệu quả. Trong báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey đã xác định 12 công nghệ sẽ ảnh hưởng đến sự thay đổi toàn cầu gồm:
(1). Internet di động là một công cụ sử dụng công nghệ Internet để kết nối với thế giới, chẳng hạn như ngân hàng di động, cho các giao dịch tài chính qua Internet.
(2). Tự động hóa công việc tri thức là một công nghệ hoặc phần mềm thông minh được sử dụng để chẩn đoán bệnh nhằm đạt được độ chính xác hoặc phân tích pháp lý.
(3). Internet vạn vật, cấy các phần tử nhỏ nhất vào hầu hết các cảm biến thu nhỏ để truyền thông tin liên lạc, có thể được sử dụng như nhận ra chất lượng đất từ các cảm biến rắc trong đất, để biết loại cây trồng nào nên được trồng với năng suất tốt nhất.
(4). Điện toán đám mây là một công nghệ và phần mềm lưu trữ dữ liệu cho phép các doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn mà không cần đầu tư vào máy tính cao.
(5). Công nghệ robot tiên tiến được sử dụng trong phẫu thuật để giảm thiểu tác động của bệnh nhân và kết quả phẫu thuật chính xác.
(6). Xe tự hành là công nghệ được sử dụng để thay thế thăm dò trong nông nghiệp hoặc lâm nghiệp, cũng như về mặt quân sự.
(7). Công nghệ cải tiến phát triển gen (Genomics) để điều trị bệnh.
(8). Pin nhiên liệu để sử dụng trong xe điện và xe hybrid.
(9). Công nghệ in 3D là một hệ thống in 3D giúp giảm chi phí sản xuất hàng hóa, được sử dụng trong các ứng dụng nha khoa và y tế.
(10). Công nghệ vật liệu tiên tiến, sản xuất các vật liệu mới như vật liệu tự làm sạch – siêu mạnh và nhẹ.
(11). Công nghệ thăm dò và phục hồi dầu khí trong khai thác dầu khí để có thể làm cho dầu và khí đốt nhiều hơn.
(12). Công nghệ điện tái tạo, là công nghệ tạo ra điện từ các nguồn không bao giờ kết thúc, chẳng hạn như ánh sáng mặt trời, gió, sóng, suối nước nóng.
Dựa trên các công nghệ ảnh hưởng đến sự thay đổi toàn cầu nêu trên, tác giả Christensen & Raynor đã phân loại những công nghệ này thành hai loại: Một là, công nghệ duy trì, đây là loại công nghệ tập trung vào việc nâng cao hiệu quả của các sản phẩm trong các hệ thống cơ khí truyền thống. Hai là, loại công nghệ khác được gọi là công nghệ đột phá, với mục đích để phát triển các sản phẩm/dịch vụ mới và chi phí thấp hơn. Như vậy, công nghệ đột phá có thể hoặc không thể là công nghệ mới nhất, tuy nhiên, do có những thay đổi trong các yếu tố thị trường cụ thể, chẳng hạn như chất lượng, hiệu quả quy trình sản xuất, chi phí hoặc giá cả, đã làm cho các công nghệ này trở thành điều kiện phù hợp mong muốn và dần trở nên phổ biến với thị trường trong bối cảnh hiện nay.
2. Tác động của công nghệ đột phá đến giáo dục nghề nghiệp
Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh với nhiều đột phá mới, các mô hình quản lý giáo dục và đào tạo theo đó cũng được nghiên cứu phát triển để mang lại lợi ích, động lực thúc đẩy quản lý giáo dục nghề nghiệp phát triển từ các mô hình dạy và học. Công nghệ đột phá là thuật ngữ mô tả những thay đổi quy mô lớn xảy ra từ công nghệ hiện đại của robot và tự động hóa và sẽ tác động ngay lập tức và nghiêm trọng đến giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng làm việc, một phần quan trọng của quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Giáo dục nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong thế kỷ 21, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò trên toàn thế giới với những ghi nhận trong việc đào tạo lực lượng lao động và chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề cao tham gia vào việc tạo ra giá trị công việc, năng suất, chất lượng, hiệu quả. Với mục đích nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng cần thiết giúp người học vững bước vào nghề được đào tạo và mở ra cơ hội thăng tiến giúp con người phát huy hết tiềm năng của họ. Cùng với việc trao quyền cho con người để phát triển bền vững, cung cấp giáo dục thường xuyên, quản lý học tập mở, linh hoạt dựa trên các kỹ năng cốt lõi, cần thiết cho người học, người lao động có trình độ chuyên môn phù hợp với những thay đổi liên tục của cuộc sống, giáo dục nghề nghiệp ngày càng được ưu tiên trong các chương trình nghị sự quốc gia của nhiều nước trên thế giới để có thể so sánh với các lĩnh vực chuyên môn khác.
Để tạo ra được những đột phá về công nghệ trong giáo dục nghề nghiệp yêu cầu đầu vào của giáo dục nghề nghiệp phải thích ứng bằng công nghệ kỹ thuật số hàng đầu như máy tính, công nghệ cộng tác, công nghệ thực tế mở rộng, trí tuệ nhân tạo, và một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian (công nghệ Blockchain)…và được tích hợp với phương pháp tổ chức dạy và học dựa trên học sinh, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận giáo dục và học hỏi suốt đời. Một trong những phương pháp được sử dụng để phân tích quản lý giáo dục nghề nghiệp trong thế kỷ 21 là lý thuyết hệ thống, một phương pháp phân tích tập trung vào hệ thống quản lý ở tất cả các giai đoạn, trong đó chú ý đến quy trình đầu vào và đầu ra.
Quy trình đột phá công nghệ giáo dục nghề nghiệp ở đầu vào bao gồm 04 hoạt động: (1) Quản trị; (2) Giảng dạy với mục tiêu lấy người hướng dẫn làm trung tâm, huấn luyện, tư vấn, nâng cao kiến thức, xây dựng nhà tư duy; tạo ý tưởng tự học, tự tin, hoạt động, nhấn mạnh vào cách suy nghĩ, cộng tác giữa người dạy với người học; (3) Thực tập, kết hợp, hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; (4) Kỹ năng hướng dẫn, sáng tạo phát triển tài nguyên giáo dục mở trên cơ sở áp dụng công nghệ kỹ thuật số.
Quy trình đột phá công nghệ giáo dục nghề nghiệp ở đầu ra/đánh giá kết quả của người học dựa trên 02 kỹ năng bao gồm: (1) Kỹ năng tích hợp công nghệ; (2) Kỹ năng mềm: kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng 4C (là nhóm kỹ năng quan trọng nhất của người học trong thế kỷ 21 do Diễn đàn kinh tế thế giới và các Tổ chức quốc tế đưa ra, bao gồm: kỹ năng giao tiếp – Communication; Kỹ năng sáng tạo – Creativity; và kỹ năng hợp tác – Collaboration.
3. Ứng dụng những công nghệ đột phá để phát triển giáo dục nghề nghiệp
Việc phát triển các kỹ năng hiện có (Reskill) để nâng cao các kỹ năng mới (Upskill) bằng cách sử dụng công nghệ cho phép người học tự học, nâng cao hiệu suất của chương trình giảng dạy, đảm bảo kiến thức chuyên môn, kỹ năng của từng lĩnh vực được chuyển giao cho người học thông qua việc thúc đẩy sử dụng đổi mới công nghệ trong quá trình dạy và học. Dựa trên phân tích tài liệu, người ta kết luận rằng trong thời đại công nghệ đột phá, chuyển đổi kỹ thuật số đã dẫn đến những thay đổi về kỹ năng cần thiết cho công việc và cuộc sống. Vì vậy, giáo dục nghề nghiệp phải tận dụng tối đa sự hội nhập, kết hợp các công nghệ mới “Công nghệ kỹ thuật số” vào giảng dạy và thi cử để trang bị cho người học thích ứng công việc hiện nay và tương lai trong thời đại công nghệ đột phá. Dự báo cho thấy, trong thế kỷ 21, các kỹ năng cốt lõi hiện tồn tại sẽ dần bị mất vì chúng không còn có thể được sử dụng. Thêm vào đó là những kỹ năng mới, những việc làm mới đòi hỏi các kỹ năng khác nhau so với những kỹ năng hiện có.
Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đặt ra đối với giáo dục nghề nghiệp yêu cầu phải trang bị cho sinh viên tốt nghiệp những kỹ năng để họ có thể đối mặt với những mô hình việc làm thay đổi nhanh chóng so những gì họ được học ở nhà trường có thể đã lỗi thời, các rào cản trong chương trình giảng dạy để đào tạo ra một lực lượng lao động phù hợp với thị trường lao động trong kỷ nguyên công nghệ còn hạn chế. Hiện vẫn có một số chương trình đào tạo chưa phát triển, không giúp người học theo kịp với các đặc điểm, kỹ năng mà thị trường lao động cần. Các khóa học thiết kế thiếu linh hoạt, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các khóa học tập chưa khuyến khích được người học tự học tập suốt đời. Nhận thức của người học tham gia các khóa học còn hạn chế không theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp hoặc nhu cầu trong tương lai. Đội ngũ giảng viên, hướng dẫn chưa trú trọng phát triển bản thân để có các kỹ năng theo kịp thời đại công nghệ đột phá thay đổi nhanh chóng mà thị trường lao động cần. Phát triển công nghệ mới trong đào tạo và quản lý còn chưa được quan tâm đầu tư trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Sự hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ giữa nhà trường, doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động và các bên có liên quan để phát triển hệ thống song phương, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với phát triển kinh tế-xã hội, thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả, nâng cao chất lượng. Việc chuyển đổi số trong kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh để tìm giải pháp hữu hiệu, không ngừng cải tiến, nâng cao trách nhiệm giải trình, tự chủ giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ đột phá.
Với mục tiêu bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế số, phát huy mạnh mẽ giá trị con người và sức sáng tạo của mỗi cá nhân góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới cần tập trung “Phát triển con người Việt Nam 4.0” với các kỹ năng công nghệ, kỹ năng mềm được đề cập trong nghiên cứu này theo chúng tôi là yếu tố quan trọng nhất trong việc đưa đất nước từ bẫy thu nhập trung bình đến có thu nhập cao.
Việc phát triển giáo dục nghề nghiệp ứng dụng công nghệ đột phá là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Phát triển giáo dục nghề nghiệp phải bám sát vào thị trường lao động, gắn kết với việc làm, an sinh xã hội và phát triển bền vững; phát huy tối đa phẩm chất, năng lực của người học, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong giáo dục và đào tạo cho phát triển triển con người Việt Nam 4.0 ngày càng có vị trí quan trọng để chuẩn bị nguồn nhân lực tham gia vào việc tạo ra các giá trị công việc và các nguồn quan trọng của sức lao động và lực lượng lao động lành nghề với các kỹ năng quan trọng trong thế kỷ 21.
Ts. Mai Văn Tỉnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu-chuyển giao khoa học công nghệ
(CETSTR) thuộc Hiệp hội các ĐH&CĐ Việt Nam;
Ts. Lê Thị Mai Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề,
Ban Tuyên giáo Trung ương;
Tài liệu tham khảo
1.Bower, J.L., & Christensen, C.M. (1995). Disruptive technologies: Catching the wave.
2. Chang, J.H., Rynhart, G., & Phu, H. (2016). ASEAN in transformation: How technology is changing jobs and enterprises.
3. Christensen, C.M., & Raynor, M. E. (2003) . The Innovator’s Solution: Creating and Sustaining Successful Growth.
3. Harvard Business School Press: Boston, MA.
4. Clayton, B., Jonas, P., Harding, R., Harris, M., & Toze, M. (2013). Industry currency and professional obsolescence: what can industry tell us?.
5. Hynes, N., & Elwell, A.D. (2016). The role of inter-organizational networks in enabling or delaying disruptive innovation: a case study of mVoIP. Journal of Business & Industrial Marketing.
6. Manyika, J., Chui, M., Bughin, J., Dobbs, R., Bisson, P., & Marrs, A. (2013). Disruptive technologies: Advances that will transform life, business, and the global economy (Vol. 180, pp. 17-21). San Francisco, CA: McKinsey Global Institute.
7. Oviawe, J.I., Uwameiye, R., & Uddin, P.S. (2017). Bridging skill gap to meet technical, vocational education and training school-workplace collaboration in the 21st century. International Journal of Vocational Education and Training Research, 3(1), 7-14.
(TVET). Asian International Journal of Social Sciences, 16(4), 65-82.
9. World Economic Forum. (2016). The future of jobs, World Economic Forum.
10. Academy of Strategic Management Journal, Volume 21, Issue 2, 2022.
11. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
12. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025.
Nguồn: http://hdll.vn/vi/nghien-cuu—trao-doi/vai-tro-cua-cong-nghe-dot-pha-doi-voi-giao-duc-nghe-nghiep.html