Hội thảo quốc tế “Xây dựng quan hệ đối tác trong giáo dục đạo học: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và Hoa Kỳ” do Đại sứ quán Mỹ, ĐHQGHN và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức trong hai ngày 14 và 15/1/2010.
Đây là hội thảo thường niên lần thứ 3 do Đại sứ Mỹ tại Việt Nam chủ trì nhằm thúc đẩy hợp tác 2 nước trong lĩnh vực giáo dục. Hội thảo năm nay thu hút đại diện của 250 trường đại học, cao đẳng với hơn 500 đại biểu là các nhà quản lý, khoa học và những người làm chính sách hai nước. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, dù có điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau, nhưng cũng như Hoa Kỳ, Việt Nam luôn coi giáo dục là ưu tiên hàng đầu, là quốc sách trong chiến lược phát triển. Việc hợp tác với những đối tác như Hoa Kỳ sẽ mang lại cho Việt Nam những kinh nghiệm quý báu.
|
Bởi vậy, GS.TS Mai Trọng Nhuận – Giám đốc ĐHQGHN trong bài phát biểu phiên khai mạc nhấn mạnh, các trường đại học buộc phải xác định lại triết lý đào tạo, sứ mệnh và cấu trúc lại không chỉ nội dung, chương trình đào tạo, phương thức đào tạo mà cả mô hình quản trị đại học. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, mỗi trường đại học phải có được tầm tư duy học thuật và tầm nhìn toàn cầu. Do vậy, tăng cường hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu, phát triển công nghệ và giao lưu văn hóa là điểm cốt yếu trong chiến lược phát triển của trường đại học. |
Đồng thời, GS.TS Mai Trọng Nhuận cho biết, là trung tâm đại học hàng đầu và lớn nhất Việt Nam, ĐHQGHN đã và đang đi tiên phong trong việc thực hiện những sứ mệnh mà Nhà nước giao phó. Đến nay, ĐHQGHN đã thực hiện thành công việc xây dựng cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, liên thông kiên kết, đổi mới quản trị đại học thúc đẩy quyền tự chủ gắn với trách nhiệm xã hội cao, đáp ứng nhanh với các yêu cầu của xã hội…
GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó giám đốc ĐHQGHN trong phát biểu của mình tại phiên khai mạc toàn thể với chủ đề hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam để phát triển giáo dục đại học đã nhấn mạnh đến các giải pháp cụ thể trong hợp tác để thúc đẩy mạnh mẽ, có chiều sâu giữa các đối tác giáo dục hai nước. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael W. Michalak, cũng cho rằng, việc kiểm định chất lượng giáo dục là 1 trong 2 vấn đề (cùng với việc tăng cường quyền tự chủ cho các trường đại học) mà giáo dục Việt Nam cần chú ý. Đây là những vấn đề quan trọng trong việc đưa giáo dục đại học Việt Nam tiếp cận với xu hướng chung của giáo dục thế giới. Ông cũng khẳng định, Mỹ có thể giúp Việt Nam trong việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học và hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng một trường đại học theo mô hình Mỹ ở Việt Nam. |
Cũng theo ông Michael. W. Michalak, hiện có khoảng 13.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ. Trong hai ngày, hội thảo được chia làm nhiều tiểu ban với các chủ đề như: Mô hình đại học quốc tế nào tốt nhất cho Việt Nam, Xây dựng các trường đại học theo mô hình Mỹ tại Việt Nam; Thúc đẩy sự phát triển của các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam; Tăng số du học sinh Việt Nam tại Mỹ, Hợp tác trường đại học doanh nghiệp: Vai trò của các công ty Mỹ và Việt Nam, Hợp tác Phát triển Kỹ năng mềm (lãnh đạo, làm việc theo nhóm và khả năng phân tích), Thu hút các nhà khoa học trở về làm việc tại các trường ĐH Việt Nam… |
(Nguồn: http://news.vnu.edu.vn/ttsk/Vietnamese/C1737/C1758/2010/01/N27421/?35)