Hiểu rõ mục tiêu và tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học (NCKH) đối với công tác giảng dạy và nghiên cứu… trong nhiều năm qua, Trường đại học Phú Yên đã nỗ lực đẩy mạnh, phát triển công tác NCKH, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, tính thực tiễn của các đề tài, dự án.
Giảng viên Trường đại học Phú Yên hướng dẫn sinh viên thực hiện các đề tài khoa học công nghệ cấp trường.
Ảnh: THÁI HÀ
“Kích cầu” cho hoạt động nghiên cứu khoa học
Từ những bài học kinh nghiệm qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, hoạt động NCKH ngày càng được Trường đại học Phú Yên đặc biệt quan tâm và đã đạt được nhiều thành tựu.
Theo TS Trần Lăng, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường đại học Phú Yên, hoạt động NCKH giúp giảng viên củng cố kiến thức, gắn lý thuyết với thực tiễn, giúp bài giảng trở nên phong phú và sinh động; nâng cao uy tín của giảng viên trong xã hội và trước sinh viên. Hoạt động NCKH cũng có ý nghĩa thiết thực trong việc giúp sinh viên, học viên tăng khả năng tư duy sáng tạo, kỹ năng phân tích, phản biện, tư duy logic và các kỹ năng mềm khác trên cơ sở làm việc độc lập hoặc làm việc nhóm.
Trong chiến lược phát triển, Trường đại học Phú Yên luôn chú trọng các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động NCKH trong cán bộ, giảng viên và sinh viên, xem NCKH là một trong hai nhiệm vụ chính của giảng viên.
Để tăng cường năng lực nghiên cứu, ngoài việc đẩy mạnh thực hiện các đề tài khoa học, thời gian qua, nhà trường còn phối hợp với Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo quốc gia: “Kế thừa và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh tăng cường thế và lực đất nước trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập”; phối hợp với Đoàn PP19 (Hoa Kỳ) tổ chức hội thảo quốc tế: “Ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu (Adaptation to natural and climate change); hội thảo cấp trường: “Du lịch Phú Yên trong liên kết vùng Tây Nguyên – Nam Trung Bộ”; “Vai trò của các trường cao đẳng, đại học tỉnh Phú Yên đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và khu vực Nam Trung Bộ – Tây Nguyên”…
Cũng theo TS Trần Lăng, hiện nay, việc giảng viên nhà trường tích cực tham gia các hoạt động NCKH là một trong những giải pháp quan trọng, cần thiết để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng khắt khe của xã hội. Để “kích cầu” cho hoạt động này, nhà trường luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân triển khai các nhiệm vụ hợp tác NCKH và phát triển công nghệ.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong sinh viên
Xác định việc thực hiện các đề tài NCKH ở bậc đại học sẽ giúp sinh viên tích lũy, mở rộng thêm kiến thức chuyên môn, ứng dụng được những kiến thức đã học vào thực tế để phục vụ tốt hơn cho quá trình công tác sau này, những năm qua, Trường đại học Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ sinh viên thực hiện các công trình nghiên cứu. Qua đó, nhiều đề tài NCKH của sinh viên có khả năng ứng dụng vào thực tế cao, mang lại hiệu quả tốt.
Năm 2018, sinh viên Võ Thị Ngọc Hiền thực hiện đề tài: “Bước đầu nghiên cứu, đánh giá tài nguyên du lịch tự nhiên ven biển Phú Yên làm cơ sở cho định hướng phát triển du lịch”. Báo cáo đã hoàn thành các nội dung: phân tích được các đặc điểm của tài nguyên du lịch tự nhiên khu vực ven biển Phú Yên; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và đánh giá mức độ thuận lợi của 3 điểm tài nguyên du lịch tự nhiên làm cơ sở cho việc đề xuất phát triển du lịch Phú Yên; đề xuất ý kiến góp phần phát triển du lịch địa phương…
Đề tài này đã đạt giải thưởng cấp trường năm học 2018-2019. Năm 2020, đề tài tham gia giải thưởng Euréka và vinh dự đạt giải khuyến khích trong tổng số 817 đề tài tham gia đến từ sinh viên các trường đại học trên cả nước. Tiếp tục hoàn thiện đề tài, Võ Thị Ngọc Hiền tham gia hội thảo khoa học “Văn hóa, văn minh đô thị các nước Đông Nam Á trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Trong đó, bài báo khoa học của Võ Thị Ngọc Hiền được trao giải khuyến khích trong 22 bài báo được chọn xét trao thưởng. Ngọc Hiền chia sẻ: “Quá trình thực hiện đề tài, em nhận được sự giúp đỡ hỗ trợ tận tình của giáo viên hướng dẫn và sự quan tâm, tạo điều kiện của khoa và nhà trường. Đó là động lực rất lớn để em nuôi dưỡng niềm say mê NCKH. Việc thực hiện đề tài cũng giúp em hình thành năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng khoa học. Những điều này sẽ giúp ích cho em rất nhiều sau khi ra trường”.
Theo TS Đào Nhật Kim, Trưởng Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, để khuyến khích, động viên giảng viên và sinh viên trong NCKH, nhà trường đã ban hành quy định khen thưởng. Theo đó, các đề tài khoa học có giá trị, các công trình khoa học được xuất bản và công bố trên các ấn phẩm khoa học uy tín trong nước và quốc tế đều được nhà trường khen thưởng.
Trung bình mỗi năm, nhà trường xét duyệt từ 8-10 đề tài, trong đó có từ 1-2 đề tài cấp tỉnh. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng đề tài NCKH; đẩy mạnh NCKH các lĩnh vực khoa học cơ bản, giáo dục và khoa học ứng dụng. Trong đó, nhà trường sẽ gắn NCKH phục vụ nhiệm vụ giáo dục – đào tạo; đồng thời triển khai các đề tài, dự án có tính thực tiễn cao để góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. TS Trần Lăng, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường đại học Phú Yên |
Theo Báo Phú Yên online