Mô hình trường Cao đẳng cộng đồng sau 10 năm hoạt động (2000-2010), trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đã khẳng định được chỗ đứng của mình bằng những giá trị đặc trưng tối ưu đối với việc xây dựng nền giáo dục đại học đại chúng cho các địa phương có nền kinh tế-xã hội còn khó khăn; đó là các đặc tính: địa phương/cộng đồng, dân chủ -xét về mặt triết lý giáo dục; và linh hoạt/mềm dẻo, phù hợp – xét trên bình diện phương thức tổ chức đào tạo.
Trong chương trình công tác của Bộ GD&ĐT năm học 2009-2010 đối với giáo dục đại học có một hạng mục công việc quan trọng, mà đúng ra, Bộ phải phải làm sớm hơn, đó là tổng kết mô hình trường Cao đẳng cộng đồng sau 10 năm hoạt động (2000-2010).
Bài báo này đóng góp ý kiến cho Bộ GD&ĐT trong việc củng cố và tiếp tục phát triển mô hình trường Cao đẳng cộng động (CĐCĐ) ở nước ta trong thời gian sắp đến trên cơ sở đảm bảo 4 nguyên tắc: Kế thừa; Thực tiễn; Chất lượng và hiệu quả; Bền vững.
Trên cơ sở lý luận và thực tiễn hoạt động của mô hình trường CĐCĐ ở nước ta và các nước khác trên thế giới hiện nay, đồng thời đảm bảo 4 nguyên tắc khi phát triển mô hình trường CĐCĐ nêu trên, mô hình trường CĐCĐ ở Việt Nam phải được hoàn thiện theo hướng tăng cường chức năng đại học cho nó. Nghĩa là, mô hình trường CĐCĐ hoàn thiện ở Việt Nam sẽ là một trường CĐCĐ có thực hiện một phần chức năng đào tạo đại học, mà nó được hiểu, là trường CĐCĐ có/được thực hiện nhiệm vụ đào tạo chương trình khoa học cơ bản đại cương (KHCBĐC) 2 năm để chuyển tiếp sinh viên lên học năm thứ ba ở các trường đại học.
1. Hoàn thiện mục tiêu đào tạo của mô hình trường Cao đẳng cộng đồng.
Mục tiêu của trường CĐCĐ là đào tạo mọi hình thức nhân lực phục vụ mọi ngành nghề theo nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương ở trình độ cao đẳng và các trình độ thấp hơn; là cầu nối giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học (GDĐH) thông qua chương trình đào tạo KHCBĐC 2 năm để chuyển tiếp sinh viên lên năm thứ ba ĐH nhằm tạo cơ hội thuận lợi tiếp cận GDĐH cho mọi công dân của đất nước, nhất là tầng lớp thanh niên ở các địa phương chưa có trường Đại học. Nhân lực được đào tạo ở các trường CĐCĐ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có ý thức phục vụ cộng đồng, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có đủ khả năng tiếp tục học liên thông lên cấp đào tạo cao hơn theo cùng ngành hoặc cùng hướng ngành đã được đào tạo ở cấp dưới, có năng lực thích ứng với việc làm trong xã hội, có khả năng tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm cho mình và cho những người khác, tham gia bình đẳng trong hợp tác quốc tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Cải thiện nội dung đào tạo của mô hình trường CĐCĐ.
Nội dung đào tạo của trường CĐCĐ có thực hiện một phần chức năng đào tạo đại học được thể hiện qua các chương trình đào tạo của trường.
Có 5 loại chương trình được tổ chức đào tạo ở trường CĐCĐ có thực hiện một phần chức năng đào tạo đại học sau:
(1) Chương trình công nghệ, kỹ thuật ứng dụng hoặc cơ bản, nghiệp vụ 2 – 3 năm cấp bằng Cao đẳng.
(2) Chương trình Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và trung cấp nghề (TCN) 1.5 – 2 năm cấp bằng Trung cấp.
Trường CĐCĐ đào tạo đa ngành, đa lãnh vực đối với các loại chương trình (1) và (2); bao gồm các lãnh vực công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế, y tế, sư phạm và các dịch vụ đáp ứng nhu cầu lao động để phát triển KT – XH các địa phương. Đây là 2 loại hình chương trình chủ đạo của trường CĐCĐ.
(3) Chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) ngắn hạn từ và tuần lễ đến 1 năm cấp chứng chỉ hoặc không cấp chứng chỉ.
Loại chương trình này rất phong phú đáp ứng nhu cầu đa dạng của cộng đồng như: tin học, ngoại ngữ, bổ túc văn hóa, cập nhật các tri thức mới về khoa học và công nghệ, dạy nghề ngắn hạn, v.v…nhằm nâng cao kĩ năng sống cuae mọi thành viên trong cộng đồng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trường CĐCĐ sẽ kết hợp chặt chẽ với các Trung tâm Học tập cộng đồng ở các xã và các Trung tâm Kĩ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp, Trung tâm dạy nghề ở huyện/tỉnh trong việc thiết kế nội dung, chương trình và kế hoạch giảng dạy thật sát hợp với nhu cầu và khả năng tiếp thu của người học. Làm tốt sự liên kết này sẽ tạo nên một cơ cấu bến vững, hiệu quả cao cho các cơ sở giáo dục cộng đồng ở địa phương.
(4) Chương trình hướng nghiệp học sinh THCS và THPT ở địa phương.
Trường CĐCĐ thực hiện trách nhiệm là cầu nối giữa giáo dục phổ thông trung học (PTTH) với giáo dục đại học và chuyên nghiệp (GDĐH&CN). Để chuẩn bị cho học sinh PTTH tiếp cận GDĐH&CN, trường CĐCĐ có thể tổ chức đào tạo một số học phần/ tín chỉ của các chương trình KHCBĐC đối với học sinh PTTH; các học phần/tín chỉ này được xem như học sinh đã tích lũy sớm, trước khi chính thức bước vào GDĐH. Giúp học sinh tốt nghiệp THCS vào học THCN hệ 3 năm; sau đó có thể tiếp tục học liên thông lên cấp Cao đẳng hoặc Đại học. Đây là một cách làm rất tích cực và có hiệu quả mang tính hướng nghiệp, giúp học sinh sớm nhận thức đúng đắn khả năng của mình thích hợp với các hướng đào tạo của giáo dục sau THCS và sau THPT; nhờ vậ, giúp hạn chế tối thiểu những nguy cơ thất bại đầu đời thường xảy ra trong con đường học vấn, lập thân, lập nghiệp cuả thanh niên; đồng thời làm như vậy có nghiã là, trường CĐCĐ đã góp phần giải quyết bài toán phân luồng học sinh sau THCS và THPT một cách căn bản cho địa phương.
(5) Chương trình KHCBĐC 2 năm để chuyển tiếp lên học năm thứ ba chương trình cử nhân / kỹ sư ở một trường đại học, cấp giấy chứng nhân hoặc chứng chỉ các học phần tích lũy của các chương trình.
Chương trình KHCBĐC 2 năm là loại chương trình tương đương giai đoạn 1,5 hoặc 2 năm của các chương trình giáo dục trình độ đại học hoàn chỉnh 4 năm. Thực hiện chương trình này là một ưu thế đặc trưng của trường CĐCĐ nhằm thực hiện sứ mệnh đại học đại chúng thí điểm có hiệu quả vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỉ XX tại một số trường CĐSP địa phương trên cơ sở liên kết và bảo trợ chuyên môn của Đại học Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, và trường ĐH Cần Thơ,…Kết thúc chương trình này, SV được cấp chứng chỉ Đại học đại cương và có quyền thi vào giai đoạn II của các trường Đại học lớn mà đã thỏa thuận liên kết / bảo trợ đối với trường CĐSP. Trong thời gian vừa qua, do tính pháp lý của chứng chỉ Đại học đại cương đã bị bãi bỏ cùng với trường Đại học đại cương của việc quy định cứng phân chia GD ĐH thành hai giai đoạn, nên việc thực hiện loại chương trình KHCBĐC cũng đã bị gián đoạn. Nhưng hiện nay, với các văn bản pháp quy quý định về việc đào tạo liên thông của Bộ GD & ĐT ban hành nhằm thể chế hóa về mặt hành chính Luật Giáo dục 2005 và các Nghị quyết của Đảng, thì việc tái lập cơ sở đào tạo liên thông / chuyển tiếp sinh viên là hoàn toàn khả thi. Vấn đề đăt ra lúc này là hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật tổ chức thực hiện giữa các trường CĐCĐ và các trường ĐH 4 năm sao cho thuận lợi, dựa trên cơ sở học chế tín chỉ và kết quả kiểm định công nhận chất lượng các chương trình đào tạo tương thích, mà các trường CĐCĐ và các trường ĐH đã có thỏa thuận liên kết đào tạo liên thông/ chuyển tiếp sinh viên.
Theo kinh nghiệm của các hệ thống CĐCĐ trên thế giới, người ta thấy tùy theo điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, cũng như mục tiêu đào tạo đặt ra của mỗi quốc gia đối với trường CĐCĐ của nước mình, các trường CĐCĐ có thể thực hiện một loại chương trình hoặc tất cả 5 loại chương trình nêu trên. Ví dụ, phần lớn các trường CĐCĐ Hoa Kỳ hoặc Canada hiện nay chỉ tập trung thực hiện loại chương trình (4) và chương trình (5); các trường Cap đẳng theo kiểu CĐCĐ của Pháp, Đức, Australia, Nhật Bản nói chung chỉ tập trung thực hiện loại chương trình (1); trong khi ấy, CĐCĐ của nước Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan thì thực hiện tổng hợp cả 4 loại chương trình (1),(2),(3), (5).
Trường CĐCĐ Việt Nam hiện nay đã và đang thực hiện các loại chương trình (1), (2), (3); sắp tới sẽ thực hiện tổng hợp cả 5 loại chương trình nêu trên là phù hợp hơn cả đối với điều kiện kinh tế – xã hội các địa phương nước ta. Trong đó nhiệm vụ đào tạo chương trình (5) (KHCBĐC 2 năm) nên chiếm một tỷ trọng đáng kể (từ 40% – 50%) trong quy mô đào tạo của nhà trường.
3. Đổi mới phương pháp đào tạo của trường CĐCĐ
Phương pháp đào tạo của trường CĐCĐ Việt Nam sẽ được đổi mới theo phương pháp sau:
(1) Phương châm đào tạo: Hướng về người học – lấy người học làm trung tâm và đào tạo theo nhu cầu xã hội.
(2) Quy chế đào tạo:
– Đào tạo các chương trình KHCBĐC và các chương trình GDĐH trình độ CĐ theo học chế tín chỉ.
– Đào tạo các chương trình giáo dục nghiệp trình độ trung cấp (TCNN, TCN) theo học chế mềm dẻo kết hợp niên chế với học phần
– Các chương trình giáo dục thường xuyên được thực hiện theo các quy chế hoặc
quy định linh hoạt phù hợp với các văn bản pháp quy đối với mỗi loại chương trình cụ thể.
(3) Hình thức tổ chức đào tạo: chính quy (formal)); không chính quy (non – formal);
phi chính quy ( informal) và liên thông (connected) các chương trình đào tạo , các cấp đào tạo.
(4) Mô hình đào tạo liên thông của trường CĐCĐ
Để hoàn thành sứ mệnh GD ĐH đại chúng và lý tưởng dân chủ của mình, các trường CĐCĐ Việt Nam phải thực hiên các chương trình đào tạo liên thông theo sơ đồ sau:
Mô hình đào tạo chuyển tiếp liên thông của trường CĐCĐ
* Ghi chú : 1, Tuyến đào tạo chuyển tiếp
2, Tuyến đào tạo liên thông lên
3, Tuyến đạo tạo liên thông xuống
4, Liên thông các chương trình trong cùng một cấp đào tạo TCCN&DN hoặc CĐ
Trường CĐCĐ đào tạo liên thông cả 4 cấp đào tạo: Dạy nghề (DN), Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), Cao đẳng (CĐ), Đại học (ĐH); và thực hiện đào tạo liên thôngđa hướng/đa chiều: lên; ngang; xuống.
– Liên thông lên: DN ® TCCN®CĐ ® ĐH (có trường ĐH bảo trợ)
– Liên thông ngang: TCCN ®TCCN; CĐ ® CĐ
– Liên thông xuống: ĐH®CĐ®TCCN®DN hoặc ĐH®TCCN®DN
Cụ thể là:
(1) Đào tạo chuyển tiếp (transfer) lên năm thứ 3 ĐH; và đào tạo liên thông lên gồm các tuyến từ TCCN lên CĐ; từ CĐ lên ĐH; từ TCCN lên ĐH.
– Tuyến đào tạo chuyển tiếp được thực hiện như sau: chủ yếu tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THPT theo cơ chế ghi danh, xét tuyển; đào tạo theo các chương trình KHCBĐC giai đoạn 2 năm đầu của các chương trình ĐH 4 năm. Hết năm thứ 2, các sinh viên sẽ dự kỳ thi kiểm tra để xét tuyển học chuyển tiếp năm thứ 3 ở các trường ĐH lớn nhận liên kết và bảo trợ chuyên môn cho trường CĐCĐ. Tổ chức đào tạo theo hình thức chính quy tập trung.
Thực hiện tuyến đào tạo chuyển tiếp là sự thể hiện chức năng đặc trưng của trường CĐCĐ có thực hiện một phần chức năng đào tạo đại học. Nhiệm vụ chỉ nên chiếm tỷ trọng không quá 50% khối lượng công việc đào tạo của trường.Tuyến đào tạo này cũng có thể được thực hiện liên thông ngay bên trong trường CĐCĐ: nếu SV không tham gia dự tuyển chuyển tiếp lên năm thứ 3 ở trường đại học liên kết, thì họ có thể ghi danh hoặc dự kiểm tra xếp lớp, tuỳ theo yêu cầu của ngành đào tạo, để học tiếp năm thứ 3 một chuyên ngành cấp CĐ phù hợp để hướng đến việc nhận bằng tốt nghiệp CĐ chuyên ngành; hoặc nếu có nhu cầu học lấy một nghề trình độ TCCN, thì các SV này chỉ cần ghi danh theo học các học phần chuyên môn của các chương trình TCCN tương thích.
– Tuyến ĐT liên thông lên từ CĐ lên ĐH hoặc từ TCCN lên ĐH được thực hiện như sau: trường ĐH liên kết và bảo trợ chuyên môn cho trường CĐCĐ sẽ tổ chức tuyển sinh các SV đã tốt nghiệp hệ CĐ (liên thông CĐ lên ĐH) hoặc các học sinh đã tốt nghiệp TCCN (liên thông từ TCCN lên ĐH), tuỳ theo các chuyên ngành phù hợp và thích ứng với yêu cầu chuyên môn của các chương trình GDĐH theo quy chế đào tạo liên thông của Bộ GD&ĐT ban hành. Hình thức đào tạo có thể là chính quy hoặc ko chính quy.
(2) Liên thông ngang là liên thông giữa các chương trình đào tạo của cùng một trình độ. Sự liên thông này cho phép người học có thể chuyển đổi từ chương trình đào tạo của một ngành này sang chương trình đào tạo của một ngành khác, hoặc có thể cùng lúc học 2 chương trình của 2 ngành khác nhau. Tuyến liên thông này tạo điều kiện cho người học có thể rút ngắn thời gianhọc tập trong việc trang bị tính đa năng và khả dụng của người lao động trong nhịp sống hiện đại.
(3) Liên thông xuống tạo điều kiện cho người học có lối ra/lối thoát khi họ không thành công hoặc không đủ điều kiện để hoàn tất chương trình ở cấp học trên. Nhờ vậy, tránh đc cho thanh niên trạng thái âm tính tiêu cực trong tâm lý của người “thất bại” đầu đời. Liên thông xuống còn có tác dụng giúp cho người học có thêm cơ hội trang bị nghề nghiệp phụ hoặc nghề nghiệp bổ trợ cho chuyên môn chính của mình ở trình độ cao hơn.
4. Thực hiện quy trình tuyển sinh của trường CĐCĐ theo nhu cầu nhân lực địa phương
Trường CĐCĐ tuyển sinh theo 3 phương thức: xét tuyển; thi tuyển; ghi danh tự do. Trường CĐCĐ hoàn toàn được quyền tự chủ tổ chức tuyển sinh phù hợp với các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) của nhà trường để đảm bảo chất lượng đào tạo. Đối với hình thức thi tuyển, trường CĐCĐ được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong cả 4 khâu: ra đề thi, coi thi, chấm thi và xét tuyển. Cơ quan xét duyệt chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của trường CĐCĐ là UBND tỉnh trên cơ sở đề nghị của Hiệu trưởng trường CĐCĐ có sự xác nhận của Chủ tịch Hội đồng trường trường CĐCĐ.
Mỗi trường CĐCĐ có một bộ phận làm công tác tư vấn tuyển sinh. Bộ phận này có thể là một phòng/ban độc lập, hoặc là một bộ phận thuộc phòng đào tạo hoặc thuộc phòng tiếp thị và quan hệ công chúng; bộ phận nàycó trách nhiệm tư vấn chọn ngành, nghề và hình thức học tập thích hợp cho người học. Tuỳ theo tính chất, yêu cầu và các chế định pháp lý của mỗi ngành, nghề, của mỗi cấp và của mỗi loại hình đào tạo, người ghi danh vào học có thể phải trải qua những trắc nghiệm nhất định về chuyên môn hoặc về kỹ năng để được tuyển chọn và xếp lớp học.
– Hình thức xét tuyển: áp dụng cho đối tượng xin vào học chương trình KHCBĐC 2 năm để chuyển tiếp lên ĐH, các chương trình TCCN/TCN và một số chương trình CĐ đặc biệt. Tiêu chuẩn xét tuyển mềm dẻo, linh hoạt tùy theo từng ngành học và tùy theo số lượng người ghi danh dự tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh cho phép.
– Hình thức thi tuyển: áp dụng cho đối tượng người tham gia dự tuyển đã có bằng tốt nghiệp THPT muốn vào học các chương trình giáo dục trình độ CĐ nói chung, vì chỉ tiêu đào tạo các ngành CĐ thường có giới hạn nhất định.
– Hình thức ghi danh tự do: áp dụng cho các đối tượng muốn theo học các chương trình giáo dục thường xuyên ngắn hạn.
Kết luận: Trên thực tiễn một bộ phận các giải pháp nêu ra ở trên đã và đang diễn ra ở các trường CĐCĐ ở Việt Nam hiện nay. Hy vọng rằng, phần còn lại của những giải pháp đề xuất trong bài báo này sẽ sớm trở thanh hiện thực, và hệ thống các trường CĐCĐ ở Việt Nam tiếp tục phát triển và khẳng định ưu thế của mình trong sứ mệnh đại chúng hóa đại học ở nước ta trong những thập niên tiếp theo./.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Như Ất (2004), “Đổi mới mô hình hoạt động và phát triển loại trường CĐCĐ”, Kỷ yếu hội thảo Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam – Hội nhập và thách thức, Bộ GD& ĐT, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Bảo (2006), “Trường Đại học trực thuộc địa phương, trường CĐCĐ – Mô hình mới đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật phục vụ cho sự nghiệp CNH – HĐH đất nước”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Tâm lý học, Giáo dục học trong thời kỳ đổi mới: thành tựu và triển vọng” – Hội khoa học Tâm Lý – Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
- Đặng Quốc Bảo (2007), “Quản lý nhà trường từ góc nhìn tổ chức – sư phạm và kinh tế – xã hội” – Cẩm nang nâng cao năng lực quản lý nhà trường, NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.
- Trần Khánh Đức (2002), Giáo dục kỹ thuật – Nghề nghiệp và Phát triển nguồn nhân lự, NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Đặng Xuân Hải (2004), Vai trò của Cộng đồng – xã hội trong giáo dục và quản lý giáo dục, Khoa sư phạm ĐHQG Hà Nội.
- Vũ Ngọc Hải, Trần Khánh Đức (2003), Hệ thống giáo dục hiện đại trong những năm đầu của thế kỷ XXI. NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Đặng Bá Lãm (2003) Giáo dục Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI – Chiến lược phát triển, NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Đặng Bá Lãm, Nguyễn Huy Vị (2009), «Từ mô hình trường CĐCĐ đến mô hinh trường Đại học địa phương trong việc xây dựng nền giáo dục đại học đại chúng », Táp chí Giáo dục, số 212, Bộ GD & ĐT.
- Nguyễn Huy Vị (2009), Luận án Tiến sĩ : Nghiên cứu mô hình trường CĐCĐ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương ở Việt Nam, Trường Đại học giáo dục – ĐHQG Hà Nội.
TS Nguyễn Huy Vị – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên