KHÓ KHĂN THÁCH THỨC VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH TRƯỜNG CAO ĐẲNG CỘNG ĐỒNG TẠI VIỆT NAM

(27/08/2010) – Như chúng ta đã biết, từ trước đến nay Đảng ta luôn có quan điểm nhất quán về phát triển giáo dục và đào tạo (coi GD – DT là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tàii; phát triển GD – DT gắn với nhu cầu phát triển KT – XH, gắn với những tiến bộ của KHKT – CN và gắn với xu thế tiến bộ của thời đại; thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục; đa dạng hoá các loại hình coi GD – ĐT là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; phát triển GD – ĐT gắn với nhu cầu phát triển KT – XH, gắn với những tiến bộ của KHKT – CN và gắn với xu thế tiến bộ của thời đại; thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục; đa dạng hoá các loại hình GD – ĐT; thực hiện nguyến lý “ Học đi dôi với hành, GD kết hợp với Lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, GD nhà trường kết hợp với GD gia đình và GD xã hội. Hiện nay, nước ta tiến hành CNH-HĐH trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, đòi hỏi chúng ta phải đẩy nhanh nhịp độ cải cách thể chế, cơ chế, chính sách kinh tế và đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực (NNL)

Tuy nhiên, trước thực trạng đào tạo NNL không gắn với sử dụng đang diễn ra khá phổ biến đang làm cho các địa phương khó cân đối cung-cầu NNL  và loại hình trường Cao đẳng cộng đồng (CĐCĐ) ở Việt Nam ra đời đã có những đóng góp tích cực, góp phần khắc phục tình trạng nêu trên. Đây là loại hình đào tạo linh hoạt, gắn đào tạo với sử dụng NNL thông qua cơ chế liên kết đóng – mở với các doanh nghiệp và các đơn vị hành chính trên địa bàn, liên kết với các cơ sở dạy nghề, các trường ĐH trong và ngoài nước…Mô hình này đã được kiểm chứng ở nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta, trong quy chế tạm thời trường CĐCĐ do Bộ GD-ĐT Ban hành theo QĐ số 37/2000/QĐ-BGD-ĐT ngày 29/8/2000 đã xác định: “Trường CĐCĐ là cơ sở GD công lập, đa cấp, đa ngành thuộc hệ thống GDQD do địa phương đầu tư xây dựng, chịu trách nhiệm tổ chức và điều hành các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ nhu cầu về nhân lực của địa phương ở trình độ cao đẳng và các trình độ thấp hơn”. Sau 10 năm hoạt động kể từ tháng 8/2000 khi sáu trường CĐCĐ đầu tiên được thành lập theo dự án tài trợ của Chính phủ Hà lan đến nay, loại hình trường CĐCĐ của chúng ta đã tỏ ra có ưu thế trong việc gắn đào tạo với sử dụng, nhà trường có điều kiện nắm bắt các nhu cầu của cộng đồng để tổ chức các hình thức đào tạo linh hoạt phù hợp với người lao động thông qua cơ chế liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn, các cơ sở dạy nghề, các trường Đại học…Hiện tại, cả nước ta đang có 18 trường CĐCĐ được thành lập và đang hoạt động (từ 2001 đến nay đã có thêm 12 trường CĐCĐ khác lần lượt được ra đời) trong đó một số trường đã có Quyết định của Chính phủ chuyển thành trường Đại học. Các trường này đã đào tạo NNL kỹ thuật đa ngành, đa cấp, đa hệ với một cơ chế linh hoạt mềm dẽo, phục vụ nhu cầu của các địa phương. Hiệp hội CĐCĐ Việt Nam (VACC) được thành lập từ tháng 09 năm 2006 và không ngừng lớn mạnh. Các trường thuộc Hiệp hội VACC có 1.635 cán bộ, giảng viên, trong đó trình độ sau đại học và trên đại học là 300, đại học là 961 người…và bước đầu đã giải quyết được một số yêu cầu kỹ thuật cho sản xuất và đời sống; cung cấp nguồn tuyển sinh chuyển tiếp đại học cho các trường đại học; đưa giáo dục và đào tạo đến các địa phương, vùng sâu vùng xa, tạo cơ hội học tập cho mọi người. Tuy nhiên, vai trò của trường CĐCĐ có phát huy được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, cơ chế, phương thức hoạt động, khả năng gắn kết với các cơ sở kinh tế, các cơ sở giáo dục khác, nắm bắt nhu cầu của cộng đồng để tổ chức đào tạo. Vì vậy, trong chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo, mô hình trường CĐCĐ cần được khẳng định là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam sau khi tổng kết thực tiễn, tổ chức nghiên cứu khoa học để hoàn thiện cơ chế chính sách… Đây là một yêu cầu, đòi hỏi tất yếu của cuộc sống.

1. Những khó khăn thách thức

         Mặc dù Hiệp Hội CĐCĐ đã có rất nhiều đóng góp xứng đáng trong việc thành lập và phát triển trường CĐCĐ tại Việt Nam trong thời gian vừa qua nhưng việc phát triển mô hình trường CĐCĐ của nước ta hiện nay vẫn chỉ là mô hình thí điểm nên khung pháp lý quy định về cơ chế quản lý, hoạt động của trường CĐCĐ và sự quảng bá thông tin đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng, sứ mệnh  của loại hình trường CĐCĐ trong XH còn hạn chế, nguồn lực hỗ trợ cho các trường CĐCĐ thí điểm từ phía TW và địa phương còn quá khiêm tốn, khung pháp lý liên quan đến việc đào tạo nghề trong các trường CĐCĐ còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ. Các trường CĐCĐ của nước ta hiện nay đang hoạt động theo Quyết định 37/2000/QĐ-BGD& ĐT ngày 29/8/2000 của Bộ trưởng Bộ GD& ĐT về việc ban hành quy chế tạm thời trường CĐCĐ, tổ chức đào tạo theo các quy chế đào tạo chung do Bộ GD& ĐT ban hành tương thích với chương trình và hình thức đào tạo cụ thể. Từ đó đến nay vẫn chưa có sự tổng kết rút kinh nghiệm để tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho mô hình hoạt động đặc thù của loại hình trường này. Cơ chế tổ chức đào tạo liên thông và chuyển tiếp chỉ mới dừng ở chủ trương, các biện pháp cụ thể chỉ là thí điểm mang tính cục bộ, công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông chưa được thực hiện hoặc chưa được quan tâm đề ra trong kế hoạch phát triển đào tạo của hầu hết các trường CĐCĐ; mối quan hệ gắn kết giữa trường CĐCĐ với địa phương và việc đào tạo chưa gắn với thị trường lao động còn diễn ra khá phổ biến. Thực trạng hiện nay, từ Trung ương đến các địa phương chưa chưa thành lập cơ quan dự báo nhu cầu NNL và tình trạng nhiều trường nghề, trường ĐH, trường Trung học chuyên nghiệp (THCN) ở các địa phương đang được thành lập khá nhanh mà các bộ, ngành chức năng chưa có sự thống nhất trong việc tham mưu với Chính phủ để chỉ đạo các tỉnh/thành phố quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo tại các địa phương (trong đó có các trường THCN, các trường nghề, các trung tâm giáo dục thường xuyên…) vốn đang rất chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, gây nhiều lãng phí về vật chất, về con người, gây búc xúc trong nhân dân và trong các nhà quản lý. Bộ LĐTB&XH đang được giao QLNN về hệ thống các trường dạy nghề nhưng cả 2 Bộ (Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH) thiếu sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong quản lý nhà nước (QLNN), dẫn tới sự chỉ đạo thiếu thống nhất, gây tốn kém trong việc đầu tư và điều hành của chính quyền các địa phương (do hệ thống giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) chưa trực thuộc hệ thống GDNN nói chung, làm trở ngại cho việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở đào tạo trong hệ thống GDNN)…Đó là những khó khăn thách thức rất lớn đối với sự phát triển các trường CĐCĐ của nước ta hiện nay.

2. Những nguyên nhân:

       Việc phát triển mạng lưới các trường Đại học, các cơ sở đào tạo tại các địa phương thiếu tính hệ thống, thiếu quy hoạch cùng với sự đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như hiện nay đang gây nhiều lãng phí cho XH, cho người học, rất cần thiết có chính sách vĩ mô  để loại hình đào tạo đa cấp, đa ngành, đa hệ, đa lĩnh vực mà hạt nhân là trường CĐCĐ ở các địa phương phát triển.

      Các trường CĐCĐ của nước ta hiện nay chưa thực hiện đầy đủ sứ mệnh của mình, chưa được xã hội và các cấp lãnh đạo địa phương nhìn nhận và quan tâm đầu tư đúng mức, còn nhiều quan điểm không đồng thuận trong các nhà quản lý, các cấp lãnh đạo từ TW đến cơ sở nên nhiều chính sách vĩ mô đang bất cập chưa được tháo gỡ để loại hình đào tạo đa cấp, đa ngành, đa hệ, đa lĩnh vực (mà hạt nhân là trường CĐCĐ) phát triển ở các địa phương.

      Những ưu điểm nổi trội của loại hình này trên thực tế chưa có sự ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội, chưa tác động tích cực đến các nhà QLGD, các nhà lãnh đạo có trách nhiệm hoạch định cơ chế chính sách…ở tầm vĩ mô trong Quốc hội, Chính phủ, trong các bộ ngành liên quan. Nếu đề xuất được các luận cứ khoa học và giải pháp thực tiễn cho việc phát triển loại hình đào tạo đa cấp, đa ngành, đa hệ, đa lĩnh vực mà hạt nhân là trường CĐCĐ tại các địa phương của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, bao quát được các yêu cầu “Tổ chức-sư phạm” và “Kinh tế- xã hội” thì sẽ làm cho hệ thống trường này phát triển ổn định và bền vững tại Việt Nam.

3. Một số giải pháp phát triển mô hình trường CĐCĐ tại Việt Nam

      Để nhanh chóng tháo gỡ và khắc phục những khó khăn vướng mắc nêu trên, giúp các trường CĐCĐ của các địa phương hiện nay phát triển bền vững, tác giả xin nêu một số giải pháp cơ bản sau đây:

a. Đối với Bộ chủ quản, Hiệp Hội VACC và lãnh đạo các trường CĐCĐ

   * Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, chức năng và sứ mệnh  của trường CĐCĐ trong hệ thống Giáo dục quốc dân đối với các nhà QL, CBGD và toàn XH. Tổng kết rút kinh nghiệm và ban hành quy chế  chính thức thay thế quy chế  tạm thời về hoạt động của trường CĐCĐ hiện nay, tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho mô hình hoạt động của loại trường đặc thù này.

   * Gắn kết sự phát triển trường CĐCĐ với sự  phát triển KT-XH của địa phương,   phát triển  hợp tác với các trường CĐCĐ trong khu vực và trên thế giới.

   * Xã hội hóa các nguồn lực phục vụ nhu cầu tài chính và hiện đại hóa CSVC sư phạm của trường CĐCĐ.

b. Đối với Chính phủ

     * Chỉ đạo sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ, THCN và các cơ sở dạy nghề từ Trung ương tới các địa phương, đặc biệt khu vực Hà nội, TP Hồ Chí Minh, ĐB Sông Cửu long và Tây nguyên nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất gắn với nhu cầu sử dụng NNL đa dạng, chất lượng cao của các ngành khoa học cơ bản; các ngành công nghệ – kinh tế mũi nhọn, trọng điểm…gắn với nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập và đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

    * Chỉ đạo xây dựng quy hoạch chi tiết về quy mô và cơ cấu phát triển mạng lưới các trường ĐH, CĐ công lập đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực ở cấp Trung ương (một số ĐHQG, ĐH Vùng, ĐH Khu vực, ĐH ngành mũi nhọn…) làm nòng cốt trong mạng lưới và đề xuất chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, hỗ trợ một số ĐH, CĐ ngoài công lập chất lượng cao phát triển, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh về quy mô và chất lượng nhằm cung cấp NNL cho các ngành Kinh tế trọng điểm, mũi nhọn của đất nước.

    * Tại cấp Tỉnh, Chính phủ chỉ đạo cho sáp nhập các cơ sở giáo dục, đào tạo  thành một trường CĐCĐ đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực (làm nòng cốt) với nhiều phân hiệu khác nhau để mở các ngành nghề phù hợp và thực hiện đào tạo theo nhu cầu XH (trong đó thực hiện cả chức năng GDTX..) nhằm phát huy tối đa đội ngũ cán bộ GV, khuôn viên trường lớp hiện có, CSVC, trang thiết bị giảng dạy và nhằm phát huy vai trò Hội đồng trường trong việc cân đối cung cầu NNL của mỗi địa phương. Tại đó, Chính phủ giao thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhiều hơn cho địa phương để lãnh đạo UBND các địa phương có thể chủ động cân đối cung cầu NNL (vì thực tế hiện nay, tại mỗi Tỉnh còn tồn tại khá nhiều trường ĐH, CĐ, THCN thuộc sự quản lý của nhiều Bộ ngành khác nhau). Chính phủ có văn bản quy định cơ chế QLNN và sở hữu hỗn hợp giữa địa phương với các bộ ngành. và bố trí đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh làm chủ tịch Hội đồng trường nhằm gắn kết trách nhiệm của Lãnh đạo UBND trong việc định hướng quy hoạch ngành nghề, dự báo NNL theo nhu cầu địa phương và điều tiết NSNN, huy động nguồn lực từ hoạt động XHH…

     * Tại cấp huyện thị, Chính phủ chỉ đạo cho sáp nhập các Trung tâm hướng nghiệp, TTGDTX, Trung tâm dạy nghề ngắn hạn… thành một Trung tâm giáo dục tổng hợp, đây là cánh tay nối dài của trường CĐCĐ với các Trung tâm học tập cộng đồng ở cấp xã phường…(khắc phục tình trạng nhiều trường THCN do không tuyển sinh được đã nâng thành các trường CĐ theo hướng đào tạo hàn lâm chưa gắn với nhu cầu xã hội hoặc nhiều trường THCN đã mở rộng liên thông, liên kết để đào tạo CĐ, ĐH mà không đảm bảo chất lượng như thời gian vừa qua).

    *  Về NSNN, Chính phủ cho các trường ĐH, CĐ ( trong đó có cả trường CĐCĐ) vay tạm ứng NSNN và tăng mức đầu tư hàng năm cho mỗi SV theo số lượng tuyển sinh đầu vào và yêu cầu các trường phải quyết toán NSNN theo số lượng sinh viên ra trường gắn với giải quyết việc làm (các trường sẽ phải chủ động thành lập các phòng quan hệ doanh nghiệp hoặc bộ phận Marketing để tư vấn cho sinh viên, tìm hiểu thị trường lao động, tìm hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp, khảo sát nhu cầu người học, nhu cầu sử dụng NNL…, làm căn cứ báo cáo Hội đồng trường để xem xét số lượng tuyển sinh, mở mã ngành, mã nghề đào tạo phù hợp cho từng giai đoạn và để có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, tuyển dụng CB, GV cho phù hợp với cơ chế thị trường. Mặt khác, Chính phủ cần phân bổ NSNN về một đầu mối cho Tỉnh quản lý, điều tiết tới các cơ sở giáo dục, đào tạo tại các Tỉnh này (không để tình trạng phân bổ manh mún cho nhiều bộ ngành đang bộc lộ nhiều bất cập như hiện nay).

      * Chính phủ nghiên cứu thành lập Tổng cục giáo dục phổ thông và Tổng cục GD đại học thuộc sự quản lý của Bộ GD&ĐT; sáp nhập THCN vào Tổng cục Dạy nghề hiện nay thành Tổng cục GD nghề nghiệp. Việc bố trí Tổng cục này thuộc Bộ nào quản lý do sự phân công của Chính phủ để phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Chính phủ nghiên cứu tái thành lập Hội đồng quốc gia giáo dục trực thuộc Thủ tướng Chính phủ (theo đề xuất của nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia QLGD).

      * Để đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, Chính phủ yêu cầu các ĐH Vùng, ĐHQG, các trường ĐH, CĐ đặc thù ở TW, các trường CĐCĐ tại các Tỉnh hiện nay hình thành cơ chế gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, thường xuyên mở hội nghị khách hàng để xem xét nhu cầu sử dụng NNL, trao đổi thỏa thuận tỷ lệ, cơ chế đầu tư thiết bị thực hành với các D/Nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên thực tập và thống nhất chương trình đào tạo theo nhu cầu của đơn vị tuyển dụng lao động (vì việc giao chỉ tiêu tuyển sinh và việc đồng ý cho các trường mở các ngành nghề hiện nay đang bộc lộ sự rất thiếu căn cứ khoa học). Chính phủ có chính sách riêng để thu hút sinh viên vào lĩnh vực đào tạo nghiên cứu khoa học cơ bản (vì hiện nay lĩnh vực này đang bị trượt dốc khá dài, khó thu hút SV giỏi và tâm huyết vào học).

     * Về thiết kế chương trình giáo dục và đào tạo, Chính phủ chỉ đạo  bộ chủ quản mời chuyên gia trong và ngoài nước tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giảng viên cốt cán của các trường ĐH, CĐ về kỹ năng lập, thiết kế chương trình giảng dạy chi tiết để đảm nhiệm công đoạn này. Khi đó, cơ quan chức năng và Hiệp hội Nghề nghiệp chỉ thẩm định theo đúng chức năng QLNN nhằm đảm bảo tính mềm dẻo của chương trình theo yêu cầu của các đơn vị sử dụng NNL, phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay.

     * Trước mắt, tạm thời dừng tăng quy mô đào tạo đại học trong khoảng từ 2-3 năm để nâng dần chất lượng đào tạo cho phù hợp với xu thế của quá trình giảm dân số trong giai đoạn vừa qua. Quy định mức trần học phí linh hoạt, mềm dẻo và phù hợp các bậc trình độ và mức chất lượng, xác định trên cơ sở theo giá thành đào tạo  dựa trên nguyên tắc chia sẻ chi phí giữa nhà nước, người sử dụng lao động và gia đình  người học.

     * Kiên quyết giải thể, rút giấy phép hoạt động các trường ĐH/CĐ không bảo đảm chất lượng đào tạo và kéo dài nhiều năm. Trước mắt không giao chỉ tiêu tuyển sinh mới để củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo. Phân biết rõ các loại trường dịch vụ giáo dục có lợi nhuận và phi lợi nhuận để quản lý chặt chẽ và phù hợp với từng loại hình

     * Chỉ đạo triển khai xây dựng hệ thống quản lý/bảo đảm chất lượng đào tạo ở các trường ĐH, CĐ để công tác quản lý và kiểm định chất lượng hiện nay của Bộ GD&ĐT đi vào thực chất và hiệu quả. Tránh việc kiểm định theo các tiêu chí đồng loạt cho các trường ĐH, CĐ và chạy theo minh chứng hình thức như hiện nay. Tập trung kiểm định các trường mới thành lập, các trường  ngoài công lập và nghiên cứu xây dựng thang lương riêng cho đội ngũ GS/PGS cùng các chế độ đãi ngộ khác (phòng làm việc, phương tiện..) tương đương cấp Vụ/Cục/Viện.

      Trên đây một số suy nghĩ bước đầu của tác giả về khó khăn thách thức và một số giải pháp phát triển mô hình trường CĐCĐ tại Việt Nam để các Thầy cô và các bạn tham khảo nhân dịp Chính phủ chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc về đánh giá 10 năm hình thành và phát triển mô hình Cao đẳng Cộng đồng.

     ( Ngô Thị Minh- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

Trả lời