Một trường Cao đẳng Cộng đồng theo đúng mô hình có những nét khá biệt rõ rệt với các trường Đại học. Đặc biệt, khi Giáo dục Đại học tại Việt Nam mang tính thống nhất toàn quốc khá cao, thì trường Cao đẳng Cộng đồng đúng nghĩa mang nhiều “tính địa phương” cần có sự khác biệt.
So sánh với các trường Cao đẳng và dạy nghề tại Việt Nam, trường Cao đẳng Cộng đồng theo đúng mô hình có nhiều khác biệt bởi vì những đặc điểm sau đây:
+ Đáp ứng nhu cầu của Cộng đồng
+ Cơ cấu tổ chức đảm bảo sự tham gia của Cộng đồng
+ Chương trình đào tạo được phát triển và điều chỉnh theo yêu cầu của công việc
+ Đa ngành và đa cấp độ
+ Đào tạo theo mô hình đào tạo suốt đời: Mô hình học tập suốt đời có thể được xem như là cái “hồn” của các trường CĐCĐ và làm cho các trường CĐCĐ hoàn toàn khác biệt với các trường Đại học và Cao đẳng thông thường khác tại Việt Nam.
Sự hình thành và phát triển mô hình Cao đẳng Cộng đồng tại Việt Nam
Mô hình CĐCĐ được Chính phủ cho phép thí điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập được xem là mô hình mới mẻ ở Việt Nam. Đến nay có 15 trường CĐCĐ được Bộ GD & ĐT thí điểm thành lập gồm:
Năm 2000 thành lập 6 trường CĐCĐ: Hải Phòng, Quảng Ngai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Tây, Tiền Giang, Đồng Tháp. Các trường trên đựơc thành lập trên cơ sở thoả thuận ký kết giữa 2 Chính phủ: Hà Lan và Việt Nam. Việc hỗ trợ này thông qua viện trợ về các thiết bị, chuyển giao công nghệ phát triển chương trình, huấn luyện giảng viên…
Năm 2001: Trường CĐCĐ Trà Vinh được thành lập trên cơ sở dự án CĐCĐ Canađa – Việt Nam (Do Chính phủ Canađa tài trợ và Hiệp hội CĐCĐ Canađa giúp đỡ xây dựng mô hình)
Năm 2002: Trường CĐCĐ Kiên Giang và CĐCĐ Vĩnh Long được thành lập. Ngay sau khi thành lập, trường CĐCĐ Kiên Giang đã liên kết với nhóm các trường CĐCĐ của Hoa Kỳ, trường CĐCĐ Vĩnh Long liên kết các trường kỹ thuật (IUT) của Cọng hoà Pháp giúp đỡ về mô hình.
Năm 2003: Trường CĐCĐ Hà Tây được thành lập.
Năm 2005: Trường CĐCĐ Hà Nội và Hậu Giang được thành lập. Trong thời gian này, CĐCĐ Tiền Giang được Bộ GD &ĐT trình Chính phủ nâng cấp lên Đại học.
Năm 2006: Trường CĐCĐ Sóc Trăng được thành lập. Cũng trong năm này, trườn CĐCĐ Trà Vinh cũng được Bộ GD&ĐT trình Chính phủ nâng cấp lên thành Đại học.
Năm 2007: Trường CĐCĐ Lai Châu, CĐCĐ Bình Thuận, CĐCĐ Cà Mau được thành lập.
Năm 2010: Trường CĐCĐ Bắc Kạn được thành lập, từ trường CĐ Sư phạm Bắc Kạn.
Trong các trường được thành lập có: 2 trường được thành lập mới hoàn toàn (CĐCĐ Bà Rịa Vũng Tàu, CĐCĐ Hậu Giang),; 1 trường trên cơ sở của trường của trường CĐ kỹ thuật (CĐCĐ Hà Tây); 4 trường trên cơ sở Trung tâm Giáo dục thường xuyên (CĐCĐ Kiên Giang, CĐCĐ Vĩnh Long, CĐCĐ Sóc Trăng, CĐCĐ Cà Mau); các trường còn lại được thành lập trên cơ sở sát nhập các trường Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, trường dạy nghề, Trung tâm Tin học – Ngoại ngữ, Trung tâm Đại học tại chức, hoặc chuyển đổi từ trường Cao đẳng Sư phạm thành trường Cao đẳng Cộng đồng.
10 năm qua, có 15 trường CĐCĐ được thành lập, bước đầu các trường đã tiếp cận được mô hình CĐCĐ và đáp ứng yêu cầu học tập của Cộng đồng. Riêng trường Đại học Trà Vinh được phát triển theo mô hình Đại học Cao đẳng (University College) của Canađa.
NGƯT, Th. S: Hà Hồng Vân
(Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang)
(Bài đăng trên báo GD &TĐ, số 33)