(VOH) – Ngành Ngôn ngữ Khmer trường Đại học Trà Vinh (TVU) là ngành góp phần bảo tồn và phát huy ngôn ngữ dân tộc Khmer một cách thiết thực.
Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép tuyển sinh toàn quốc với 59 ngành bậc đại học, 7 ngành bậc cao đẳng và 33 ngành sau đại học thuộc các khoa khác nhau, trong đó có Ngành ngôn ngữ Khmer thuộc Khoa Ngôn ngữ – Văn hoá – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ.
Một tiết học của Khoa Ngôn ngữ – Văn hoá – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ
Đặc biệt hơn, đội ngũ cán bộ giảng viên thuộc Bộ môn Sư phạm ngữ văn và ngôn ngữ Khmer luôn năng động sáng tạo, nhiệt huyết, tận tuỵ trong việc giảng dạy, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện tốt việc phát triển nguồn nhân lực về kiến thức ngôn ngữ Khmer.
Đây cũng là khoa đầu tiên và duy nhất trên cả nước có đào tạo chính quy thuộc chuyên ngành ngôn ngữ Khmer. Đồng thời nhà trường đã được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia, đào tạo về nhân lực chuyên về Ngôn ngữ, Văn hoá, Nghệ thuật Khmer ở Nam Bộ.
Từ năm 2011 đến nay, ngành Ngôn ngữ Khmer ở trường Đại học Trà Vinh đã không ngừng đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh và trong khu vực Tây Nam Bộ.
Sinh viên ngành ngôn ngữ Khmer được đào tạo một cách bài bản về ngôn ngữ Khmer, gắn kết với các ngôn ngữ khác trên thế giới hay các vấn đề liên quan đến dịch thuật song ngữ Việt – Khmer hay Khmer – Việt, có cơ hội được nghiên cứu sâu về ngôn ngữ Khmer đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Ngoài hoạt động học tập trên lớp, sinh viên còn được tham gia các hoạt động ngoại khoá như: múa Robăm, văn nghệ…, tham gia viết bài tham luận, nghiên cứu khoa học liên quan đến ngôn ngữ Khmer hay các ngôn ngữ trên thế giới, tham gia cộng tác dịch thuật Việt – Khmer hay Khmer – Việt trên trang Web của trường và các công ty khác…
Sinh viên ngành Ngôn ngữ Khmer trường Đại học Trà Vinh (TVU)
Bạn Liêng Ngọc Trúc, sinh viên năm thứ tư ngành Ngôn ngữ cho biết: “Trong suốt thời gian 4 năm học ngành ngôn ngữ Khmer tại trường, mình đã tích lũy được vốn kiến thức chung về ngôn ngữ học đặc biệt là ngôn ngữ Khmer. Qua đó có thể giúp mình nghe, nói, đọc, viết và biên phiên dịch tiếng Khmer khá tốt. Ngoài ra, mình còn biết cách đọc và phiên âm IPA, không chỉ đọc được ngôn ngữ Khmer – Việt mà còn giúp mình đọc được tất cả các ngôn ngữ trên thế giới”.
Học ngành ngôn ngữ Khmer không chỉ là bước kết nối sức mạnh dân tộc mà sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ có một kiến thức khá tốt về nói, đọc, viết, biên – phiên dịch tiếng Khmer. Đặc biệt giúp sinh viên sau khi ra trường có cơ hội việc làm rất cao tại các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia.
Chị Tạ Thị Thu Trang – một trong 25 sinh viên ngành ngôn ngữ Khmer tốt nghiệp khoá 3 cho biết: “Sau khi tốt nghiệp vài tháng, tôi được tuyển vào Công ty Cổ phần thiết bị điện Phước Thạnh – chi nhánh tại Long An đang đầu tư ở bên Campuchia, và hiện tại tôi đang làm nhân viên kế toán liên quan đến ngôn ngữ Việt – Khmer với mức lương 8 – 10 triệu/tháng”.
Ngoài việc trau dồi và trang bị kiến thức cho chính bản thân, các bạn sinh viên còn có cơ hội được bảo tồn và phát huy ngôn ngữ của dân tộc mình. Đây cũng là một ngành khá thú vị cho các bạn có niềm say mê muốn nghiên cứu sâu về ngôn ngữ Khmer và ngôn ngữ trên thế giới. Một mặt nhằm đáp ứng nguồn nhân lực có vốn hiểu biết về ngôn ngữ Khmer và biên phiên dịch tiếng Khmer, trong quan hệ hợp tác giao thương với các nước bạn Campuchia ngày càng mở rộng, đối với thời buổi hội nhập như hiện nay.