VACC lớn mạnh về mọi mặt

(15/09/2016) – Trong vòng 10 năm sau đại hội lần I, số lượng thành viên của Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam tăng 5 lần. Điều này cho thấy mô hình tổ chức và hoạt động của hiệp hội đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức và cá nhân
Đại hội Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ) Việt Nam (VACC) nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ diễn ra tại Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long – Hà Nội vào ngày 16-9. Đại hội sẽ thảo luận và đề xuất các sáng kiến nhằm giúp cho mô hình CĐCĐ tại Việt Nam nói chung, các trường thành viên nói riêng ngày một phát triển, góp phần vào việc xây dựng mô hình học tập theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, hình thành xã hội học tập và mô hình học tập thường xuyên, học tập suốt đời cho cá nhân và cộng đồng.
Thúc đẩy mô hình học tập suốt đời
VACC thành lập năm 2006, đại diện cho tiếng nói của các trường CĐCĐ, các trường ĐH, các tổ chức đào tạo khác tán thành và hoạt động theo mô hình CĐCĐ ở Việt Nam. VACC hoạt động vì lợi ích chung và sự lớn mạnh của mỗi thành viên và của cả hiệp hội nhằm thúc đẩy sự phát triển mô hình học tập suốt đời, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam và từng cá nhân trong cộng đồng.

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga phát biểu tại Đại hội nhiệm kỳ 2011-2016 của VACC

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga phát biểu tại Đại hội nhiệm kỳ 2011-2016 của VACC

Đối với các thành viên, VACC là diễn đàn để các trường cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý các trường CĐCĐ cũng như áp dụng mô hình này vào bối cảnh của Việt Nam. Hoạt động của VACC như một kênh tiếp thị quảng bá về hình ảnh, năng lực của các trường thành viên ra cộng đồng bên ngoài để tìm kiếm những hợp tác tiềm năng. Một vai trò không kém quan trọng của VACC là thúc đẩy nhận thức của cộng đồng xung quanh việc hiểu đúng về vai trò của các trường CĐCĐ trong sự phát triển nguồn nhân lực và kinh tế – xã hội của đất nước.
Ngoài ra, VACC còn mở rộng hợp tác với các đối tác là viện, trường, tổ chức quốc tế theo quy định của luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế. Ngay từ ngày thành lập, VACC rất xem trọng lĩnh vực hợp tác quốc tế, một trong những cầu nối đưa VACC vượt ra biên giới và hòa mình vào xu hướng phát triển chung toàn cầu.
Những dấu mốc quan trọng
Sự hình thành và phát triển của VACC được ghi nhận bởi các dấu mốc quan trọng:

Tháng 8-2000, có 6 trường CĐCĐ đầu tiên của Việt Nam được thành lập theo dự án của chính phủ Hà Lan. Nhằm tạo điều kiện cho các trường CĐCĐ có diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm về tổ chức và quản lý trường theo mô hình này, Bộ Nội vụ đã thông qua việc thành lập Ban Liên lạc các trường CĐCĐ Việt Nam.
Ngày 14-9-2006, Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 1225/QĐ-BNV về việc thành lập VACC. Ngày 28 và 29-9-2006, tại Hà Nội, VACC đã tổ chức Đại hội lần I nhiệm kỳ 2006-2011. Đại hội đã thống nhất Điều lệ hoạt động và 7 nhiệm vụ chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tạo sự chuyển biến tích cực mạnh mẽ trong hệ thống các trường CĐCĐ Việt Nam; giúp hệ thống các trường CĐCĐ Việt Nam phát triển đúng hướng trên cơ sở vận dụng hiệu quả mô hình CĐCĐ của các nước tiên tiến trên thế giới.

 Ban Chấp hành VACC nhiệm kỳ 2011-2016

Ban Chấp hành VACC nhiệm kỳ 2011-2016
Ngày 16-9-2011, Đại hội lần II nhiệm kỳ 2011-2016 VACC được tổ chức tại Trường CĐCĐ Hà Tây. Đại hội đã đánh giá kết quả hoạt động giai đoạn 2006-2011 và đề ra phương hướng hoạt động giai đoạn 2011-2016, thông qua báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành nhiệm kỳ I, báo cáo kết quả thảo luận Điều lệ sửa đổi và bổ sung, bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2011-2016, Ban Kiểm tra, khen thưởng các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc.
Ngày 8-1-2016, tại Trường CĐ Sư phạm Hà Giang đã diễn ra Hội nghị tổng kết hoạt động của VACC năm 2015. Hội nghị đã quyết định tổ chức Đại hội lần III nhiệm kỳ 2016-2021 trong quý III/2016 tại Hà Nội.
Từ số thành viên của hiệp hội tại Đại hội lần I năm 2006 là 11 trường, đến nay VACC có 61 thành viên, trong đó có 39 trường ĐH, CĐ và trung cấp, 3 trung tâm, 3 doanh nghiệp và 8 thành viên cá nhân trong nước, 6 tổ chức nước ngoài và 2 cá nhân là chuyên gia nước ngoài. Như vậy, trong vòng 10 năm sau Đại hội lần I, số lượng thành viên của VACC tăng 5 lần. Điều này cho thấy mô hình tổ chức và hoạt động của hiệp hội đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của nhiều tổ chức, cá nhân.
Số lượng đối tác quốc tế ký kết hợp tác và tham gia hoạt động cùng với VACC ngày một tăng. Năm 2006, VACC chỉ có quan hệ hợp tác với 6 tổ chức quốc tế; đến cuối năm 2016, số đơn vị, tổ chức quốc tế trở thành đối tác và triển khai các hoạt động hợp tác với hiệp hội và các đơn vị thành viên là 45 đơn vị (gấp hơn 7 lần). VACC tổ chức nhiều hoạt động hợp tác quốc tế, hợp tác giữa các thành viên rất hiệu quả giúp gắn kết, tạo điều kiện để các thành viên cùng nhau phát triển.
Tham mưu, đề xuất nhiều chính sách
Trong nhiệm kỳ 2011-2016, VACC đặc biệt thành công trong công tác tham mưu, đề xuất chế độ chính sách. VACC đã có nhiều buổi làm việc với Bộ Giáo dục – Đào tạo và Chính phủ để góp ý phản biện những vấn đề liên quan đến chính sách phát triển giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp… trong đó có các vấn đề liên quan trực tiếp đến sự phát triển của mô hình CĐCĐ.

Đại hội nhiệm kỳ 2016-2021 của VACC sẽ tiếp tục thảo luận và đề xuất các sáng kiến nhằm giúp cho mô hình CĐCĐ tại Việt Nam nói chung, các trường thành viên nói riêng ngày một phát triển vững mạnh, góp phần vào việc xây dựng mô hình học tập theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, hình thành xã hội học tập và mô hình học tập thường xuyên, học tập suốt đời cho cá nhân và cộng đồng.

Nguồn: nld.com.vn

Trả lời